Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội
Theo đó, khoảng 18 triệu người tham gia BHXH trước ngày luật này có hiệu lực (1/7/2025) sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị vẫn được rút BHXH 1 lần. Từ ngày 1/7/2025, người tham gia BHXH vẫn được quyền rút BHXH 1 lần, nhưng thuộc các trường hợp: Người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người khuyết tật đặc biệt nặng; người ra nước ngoài định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan, lao nặng, AIDS; người thuộc lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Qua đó cho thấy, so với trước đây, luật mới đã bổ sung nhóm được rút BHXH 1 lần là người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng đóng BHXH chưa đủ 15 năm để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH 1 lần, không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng, thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hàng tháng căn cứ vào thời gian đóng, xác định đóng BHXH của NLĐ.
Ngoài ra, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng còn được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đóng. Khi chết, thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần cho những tháng chưa nhận và nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng 1 lần trợ cấp mai táng. Trường hợp đủ điều kiện rút BHXH 1 lần, nhưng bảo lưu để hưởng lương hưu sẽ được trợ cấp hàng tháng trước 75 tuổi, trong thời gian đó ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng hưởng.
Đồng thời, NLĐ được tiếp cận các chính sách như tín dụng ưu đãi… Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, cả nước có khoảng 6 triệu lượt người giải quyết hưởng BHXH 1 lần, tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 có hơn 686.000 người hưởng BHXH 1 lần, tăng hơn 3% so cùng kỳ.
Luật BHXH năm 2024 quy định, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng. Đó là, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; NLĐ làm việc không trọn thời gian.
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo quy định của Luật Hợp tác xã) không hưởng tiền lương.
Luật BHXH năm 2024 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của NLĐ trong tương lai.
Khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi hội đủ các điều kiện: Từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo công thức tính BHXH, NLĐ có thể tính được tiền BHXH 1 lần. Dựa trên số năm đóng BHXH, khoản 2, Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định cách tính BHXH 1 lần. Cụ thể, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ 2014 trở đi.
Theo khoản 4, Điều 19, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hưởng BHXH 1 lần = {(1,5 x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x thời gian tham BHXH từ năm 2014)} x Mbqlt.Trong đó, Mbqlt (mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHXH) = (số tháng đóng BHXH x tiền lương tháng đóng BHXH x mức điều chỉnh hàng năm)/tổng số tháng đóng BHXH.
Hiện mức hưởng và cách tính BHXH 1 lần vẫn tương tự như trên. Tuy nhiên, luật sửa đổi nêu rõ: Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014, mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Nếu NLĐ vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu vừa đủ điều kiện rút BHXH 1 lần, thì được quyền hưởng lương hưu hoặc rút BHXH 1 lần.Tuy nhiên, nếu rút BHXH 1 lần, NLĐ sẽ mất một số quyền lợi lâu dài, như: không có lương hưu hàng tháng khi về già, không còn được hưởng quyền lợi BHYT mà phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh...
Quan trọng nhất, mức hưởng BHXH 1 lần được tính toán dựa trên số tiền đã đóng BHXH cùng lãi cộng dồn. Nhưng do thời gian đóng BHXH thường ngắn hơn thời gian hưởng lương hưu, nên mức hưởng BHXH 1 lần thường thấp hơn lương hưu.
N.R (Tổng hợp)