Cơ cấu lại ngành dịch vụ để phát triển nhanh, bền vững

13/05/2020 - 19:20

 - Năm 2020 và định hướng đến năm 2025, An Giang cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch; tăng cường xuất khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,85%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khoảng 49% vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8,67%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khoảng 53,59% vào năm 2025. Năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt 32%, năm 2025 đạt 40%. Lĩnh vực tài chính-ngân hàng đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2020 bình quân 10%/năm, đến năm 2025 đạt 12%/năm.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh An Giang ra nước ngoài hướng tới chuyển đổi số cho hoạt động thông tin đối ngoại, sử dụng các công nghệ truyền thông tiên tiến như: công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu nội dung thông tin của mọi cá nhân có quan tâm đến An Giang về đất nước, con người, ẩm thực, du lịch, thể thao.

Cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ công. Bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và phục hồi môi trường theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại

Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 25.000 người. Năm 2020, tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 2,24 tỷ tấn hàng hóa và khoảng 12,7 tỷ lượt khách. Năm 2025, tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 2,91 tỷ tấn hàng hóa và khoảng 16,6 tỷ lượt khách. Năm 2020 thu hút khoảng 200.000 lượt khách du lịch quốc tế và 9,8 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.500 tỷ đồng.

Đến năm 2025, thu hút khoảng 400.000 lượt khách du lịch quốc tế và 12,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 12.000 tỷ đồng. Lĩnh vực y tế đạt 26 giường bệnh và 9 bác sĩ/1 vạn dân năm 2020 và đạt 27 giường bệnh viện, 11 bác sĩ/1 vạn dân năm 2025. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.

Để đạt mục tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề ra các nhiệm vụ chủ yếu, yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện. Trước tiên cần tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ. Đó là thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển DN. Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử; phát triển và thương mại hóa viễn thông 5G.

Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Trong lĩnh vực phân phối, Sở Công thương xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án phát triển thương mại trong nước; hỗ trợ DN kết nối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như: Amazon, Alibaba, Rakuten... Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý, phân tầng chất lượng. Sở Giao thông - Vận tải phát triển đa dạng các loại hình DN cung ứng dịch vụ logistics. Tạo mọi điều kiện để DN logistics liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài. Đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Với tiềm năng và thế mạnh quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình quảng bá du lịch An Giang bằng nhiều hình thức và phương tiện truyền thông. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng tiệm cận các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế; xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch An Giang.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong lĩnh vực y tế, khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập; ứng dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh trên nền tảng công nghệ 4.0 như: “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) tại các cơ sở y tế, bệnh án điện tử, quản trị bệnh viện bằng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý.

Tin rằng, với nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn với thực hiện đồng bộ những giải pháp trọng tâm và chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, tác động hiệu quả, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường. Qua đó, nâng cao vai trò và tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong nền kinh tế và xuất khẩu; tạo việc làm và thu hút đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU