Thầy trò HLV Park Hang-seo được kỳ vọng sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích tại giải U23 châu Á. Ảnh: TTXVN
Đây là bảng được xem là nhẹ hơn nhiều so với 2 năm trước tại Thường Châu (Trung Quốc), khi ấy, thầy trò HLV Park Hang-seo phải đối mặt với các đội bóng rất mạnh như U23 Hàn Quốc, U23 Australia và U23 Syria.
Tại VCK U23 châu Á 2020 tới đây tại Thái Lan, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào giải đấu với niềm tự hào của nền bóng đá trẻ đang phát triển với một loạt chiến tích như U20 World Cup 2017, Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019... Xét về thành tích thi đấu tại đấu trường này, các đội ở bảng D đều “dưới cơ” so với đại diện của bóng đá Việt Nam.
Nếu vượt qua vòng bảng, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối đầu với một trong những đội ở bảng C. Bảng C được xem là bảng “tử thần” với sự góp mặt của ĐKVĐ Uzbekistan, Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc.
Đáng chú ý, giải U23 châu Á 2020 là giải đấu rất quan trọng, bởi kết quả tại giải đấu lần này cũng sẽ xác định 4 đội giành quyền tham dự Thế vận hội Tokyo 2020, gồm cả chủ nhà Nhật Bản. Trong khi việc đưa Việt Nam tham dự Olympic là một trong những mục tiêu mà HLV Park Hang-seo đặt ra ngay khi đến dải đất hình chữ S làm việc. Hiện tại, vòng chung kết U23 châu Á 2020 chính là con đường tốt nhất để hoàn thành mục tiêu này.
Một kịch bản mà rất nhiều người hâm mộ quan tâm nếu tuyển U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng với tư cách đội đầu bảng C, còn U23 Hàn Quốc đứng thứ nhì của bảng D, hoặc trong trường hợp U23 Hàn Quốc đứng thứ 2 bảng C và U23 Việt Nam đứng đầu bảng D, hai đội sẽ đối đầu ở tứ kết. Khi ấy, đội bóng của HLV Park Hang-seo đang dẫn dắt và đội tuyển quê hương của ông sẽ phải loại nhau.
Các bảng đấu tại VCK U23 châu Á 2020. Ảnh: AFC
Tuy nhiên, theo thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, các cầu thủ Việt Nam lại chưa thể một lần giành chiến thắng ở cấp độ đội tuyển U23 trước những đối thủ trong bảng D.
Đầu tiên là trong khuôn khổ ASIAD 2010, sau khi vượt qua vòng bảng, U23 Việt Nam đã chạm trán với U23 Triều Tiên tại vòng 1/8. Nhưng trước một đối thủ mạnh hơn rất nhiều ở thời điểm đó, U23 Việt Nam đã phải chấp nhận thất bại với tỷ số 0 - 2. 4 năm sau, cũng tại vòng 1/8 đấu trường ASIAD, U23 Việt Nam đã để thua U23 UAE với tỷ số 1 - 3.
Còn trước Jordan, các cầu thủ U23 Việt Nam cũng phải nhận kết quả không tốt khi ở trận mở màn VCK giải U23 châu Á 2016, U23 Việt Nam đã phải nhận thất bại 1 - 3 trước đối thủ này. Cũng ở giải đấu này, U23 Việt Nam đã để thua 2 - 3 trước U23 UAE ở lượt trận cuối cùng và bị loại ngay từ vòng bảng.
Trận gần đây nhất đối đầu với những đối thủ là ở trận tranh HCĐ tại ASIAD 2018, U23 Việt Nam phải nhận thất bại 3 - 4 trong loạt sút luân lưu 11m trước U23 UAE (sau khi hòa 1 - 1 trong 120 phút thi đấu), chấp nhận vị trí thứ 4 chung cuộc.
Như vậy, U23 Việt Nam đã có tổng cộng 5 lần chạm trán với các đối thủ U23 Triều Tiên, U23 Jordan, U23 UAE trong vòng 10 năm qua. Kết quả là hòa 1 trận, thua 4 trận và không thắng được một trận nào, ghi được 5 bàn, để thủng lưới 11 bàn.
Lần này, dưới sự dẫn dắt của “phù thủy” Park Hang-seo, U23 Việt Nam hy vọng sẽ “phá dớp” trước những đối thủ này.
Theo lịch thi đấu của LĐBĐ châu Á (AFC) công bố, U23 Việt Nam sẽ gặp UAE ngày 10-1 và ngày 13-1 thi đấu với Jordan, đều trên sân Buriram. Ngày 16-1, U23 Việt Nam sẽ gặp CHDCND Triều Tiên tại sân Rajamangala.
- Cả 4 đội U23 Việt Nam, U23 CHDCND Triều Tiên, U23 Jordan và U23 UAE đều giành thành tích đứng nhất bảng ở vòng loại.
- Về thành tích thi đấu ở các vòng chung kết U23 châu Á, Jordan và CHDCND Triều Tiên có 4 lần góp mặt, thành tích cao nhất của Jordan là hạng 3 (năm 2013), còn CHDCND Triều Tiên là tứ kết (năm 2016). Còn U23 Việt Nam và UAE đều có 3 lần tham dự. Thành tích của UAE là 2 lần vào tứ kết các năm 2013, 2016.
Theo MINH ĐĂNG (Báo Tin Tức)