Việc khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là cơ hội để tái đàn heo
Nỗ lực dập dịch
Mới bán đàn heo hơn chục con với giá 8 triệu đồng/tạ (100kg heo hơi), dù có hơi tiếc khi không kịp bán vào thời điểm giá cao nhất nhưng bà Trần Ngọc Dung (ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) cảm thấy vui, vì có được số tiền kha khá để mua sắm Tết cho gia đình.
“Đây là mức giá cao nhất mà tôi bán được sau mấy chục năm theo nghề nuôi heo nái và heo thịt. Cách đây vài năm, giá heo hơi trước và sau Tết có lúc xuống dưới 3 triệu đồng/tạ; những năm được giá cũng chỉ 4 triệu đồng/tạ. Thật lòng, người nuôi heo chỉ cần duy trì mức giá 5 triệu đồng/tạ là coi như có lời. Giá heo hơi hiện nay tuy có xuống thấp so thời điểm đầu tháng Chạp nhưng vẫn còn khá cao” - bà Dung chia sẻ.
Sau khi bán đàn heo thịt, bà Dung tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh chuồng heo để chuẩn bị chọn lựa bầy heo con sang nuôi thịt. “Đợt này, tôi tái đàn khoảng 15 con heo thịt. Với 2 lứa heo nái đẻ tiếp theo, tôi sẽ chia con giống để bà con tái đàn” - bà Dung thông tin.
Sở dĩ người dân mạnh dạn tái đàn, một phần do giá heo vẫn còn cao nhưng nguyên nhân chính là nhờ công tác kiểm soát bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, từ khi phát sinh dịch bệnh (ngày 21-5-2019) đến ngày 28-11-2019 (con heo bệnh cuối cùng chết), bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy tại 1.255 hộ chăn nuôi heo tại 131 xã, phường, thị trấn, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng đàn heo tiêu hủy là 28.468 con, với tổng trọng lượng 1.793.526kg. Ngày 9-8-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1954/QĐ-UBND về việc công bố bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang.
“Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục CN&TY tỉnh đã chỉ đạo Trạm CN&TY các huyện, thị xã, thành phố phối hợp UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại các ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Kết quả, đã tiêu độc được 3.770,7m2; thực hiện tuyên truyền, phổ biến các biện pháp khẩn cấp chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, tiêu hủy bắt buộc đối với con vật mắc bệnh...” - ông Hiệp thông tin.
Nhờ những nỗ lực này mà đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã được khống chế (con bệnh chết cuối cùng vào ngày 28-11-2019 và đã qua 30 ngày). Căn cứ Khoản 1, Điều 31 của Luật Thú y về công bố hết dịch bệnh động vật trên cạn, Chi cục CN&TY vừa có công văn đề nghị Cục Thú y thẩm định điều kiện công bố hết bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Tái đàn an toàn
Ngay khi tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi cơ bản được kiểm soát, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng”. Theo đó, tỉnh hỗ trợ cho 20-40 hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn thí điểm với 400 con heo thịt (hỗ trợ 30% chi phí mua con giống, vaccine, thuốc thú y và 100% chi phí xét nghiệm mẫu môi trường nuôi (rắn, lỏng), thức ăn chăn nuôi, máu heo). Số lượng hỗ trợ từ 10-20 con heo thịt/hộ chăn nuôi.
Cùng với thực hiện thí điểm tái đàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm CN&TY các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ việc tái đàn heo tại địa phương. Trong đó, thực hiện thống kê, rà soát nhu cầu tái đàn heo trong dân, tái đàn tại các trại chăn nuôi heo ở địa phương, số lượng heo dự kiến tái đàn, thời điểm tái đàn để hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn đúng quy định.
Việc tái đàn heo phải đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, cụ thể: hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn heo của địa phương; khuyến khích áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo. Trong tái đàn, ưu tiên những hộ chăn nuôi chưa xảy ra dịch bệnh.
Đối với những hộ chăn nuôi dịch bệnh đã qua 30 ngày, đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thực hiện tái đàn theo từng giai đoạn: đầu tiên là tái đàn khoảng 10%, 30 ngày sau lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu âm tính với virus bệnh dịch tả heo Châu Phi thì có thể tái đàn 100%.
Đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi, khi thực hiện tái đàn phải đăng ký với chính quyền địa phương và thực hiện cam kết chấp hành sự theo dõi, hướng dẫn, giám sát của cán bộ chuyên môn thú y. Nếu tự ý tái đàn, trường hợp xảy ra dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ tiêu hủy.
Sau khi mô hình thí điểm tái đàn thực hiện thành công (không phát sinh dịch bệnh, đàn heo phát triển tốt), tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kế hoạch “Tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo châu Phi được ngăn chặn” và kế hoạch “Nâng cao chất lượng đàn heo của tỉnh bằng phương pháp thay đàn cái nền giai đoạn 2019-2020”. |
NGÔ CHUẨN