“Trút bầu tâm sự” trên mạng xã hội không phải là cách tốt nhất để giải sầu
Những việc làm ý nghĩa, thiết thực sẽ giúp ta yêu đời hơn
Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, hầu như ai cũng sở hữu một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Có người thậm chí có đến 2-3 hoặc nhiều hơn. Trước những căng thẳng, áp lực của cuộc sống, đôi khi chúng ta cảm thấy cô độc và chơi vơi, không biết phải chia sẻ cùng ai thì mạng xã hội là nơi không ít người cho là “lý tưởng” để giải sầu. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội đan xen nhiều mối quan hệ, các mối quan hệ đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chính chúng ta. Và trong thời đại hiện nay, một dòng chia sẻ trên mạng xã hội (facebook hay zalo)… về những ý nghĩ tiêu cực hay công kích ai đó để giải tỏa cơn giận sẽ tức tốc lan đi “nhanh như chớp”.
Hẳn không ít những lần “lướt” web hoặc facebook, vô tình bắt gặp những dòng trạng thái dỗi hờn, trách móc, nóng giận, thậm chí là tiêu cực của một ai đó. Có người thì giận chồng, người thì bị áp lực công việc, đôi khi là cãi nhau với đồng nghiệp hay chỉ đơn giản là ghét một ai đó mà không dám nói thẳng tên… Có hàng trăm, hàng ngàn lý do để người ta có thể vô tư lên mạng xã hội “trút bầu tâm sự”, xem đó như là “cái sọt rác” và vô tư “trút” vào đó những cảm xúc của bản thân: hỷ, nộ, ái, ố của cuộc sống đời thực đều có đủ.
Chị Nguyễn Hoàng O. (34 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, khi mới tạo tài khoản facebook, tôi dành khá nhiều thời gian trong ngày để “lướt” facebook. Không lâu sau, bạn bè trên facebook của tôi tăng lên rất nhiều, người thân, người quen đều có cả; hay người lạ chưa 1 lần gặp mặt cũng có. Còn nhớ, lần đó, tôi cao hứng đăng một dòng cảm nghĩ đại loại như: “Là phụ nữ phải mạnh mẽ, đừng để người khác xem thường…!”. Ngờ đâu lại nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè. Ai cũng vào bình luận và nhắn tin riêng hỏi có chuyện gì không. Tôi phải trả lời từng người rằng không có gì, chỉ là tự nhiên thấy hơi buồn, muốn làm việc gì đó cho hết buồn mà thôi, chứ gia đình vẫn bình thường. Vậy là mọi người mới thôi không hỏi han nữa. Sau lần đó, tôi ít dám lên trang cá nhân để chia sẻ hay tâm sự chuyện vui buồn. Bởi, nhiều khi mình thấy chuyện chẳng có gì mà người khác lại nghĩ là chuyện lớn và đi “đồn” khắp nơi ngoài đời thực thì không nên chút nào!”.
Đó chỉ là chuyện cá nhân, trút nỗi buồn bản thân của chị O. mà còn phiền phức như vậy thì thử hỏi khi sự việc đi xa hơn, chẳng hạn như nói xấu một ai đó thì hệ quả sẽ như thế nào? Thế mới nói, đừng vô tư “vứt rác cảm xúc” trên mạng xã hội, vì chỉ tích tắc thôi là hàng trăm, hàng triệu người sẽ biết và nhân thành nhiều “dị bản”, đôi khi mang lại những bất lợi cho chính bản thân mình. Không ít trang mạng gợi ý cách viết cảm nghĩ, tâm trạng thật hay, ý nghĩa. Nói đâu xa, chỉ cần gõ tìm kiếm “những status (tâm trạng) buồn, status về cuộc sống, tình yêu… là sẽ hiện ra hàng loạt sự lựa chọn.
Trường hợp của chị Trần Hoài Tr. (30 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) là một điển hình của việc sưu tầm status buồn. “Mấy hôm trước, tôi được bạn bè nhắn tin hỏi vợ chồng có ổn không, có việc gì lục đục không. Tôi thắc mắc sao hỏi vậy vì vợ chồng vẫn rất hòa thuận, yên bình. Thì được biết vì thấy chồng tôi đăng status buồn, bảo là không cần ai hiểu… và kêu tôi lên zalo xem. Bản tính rất ít “lướt” zalo hay facebook nên tôi không hay biết gì. Đến khi lên xem thì thấy đúng như bạn tôi nói. Tôi lập tức nói chuyện với chồng và hỏi lý do gì lại đăng như vậy cho người ta hiểu lầm. Anh ấy chỉ bảo là thấy trên mạng hay nên “sao chép” về và đăng tải lên mạng xã hội thôi, chứ không có ý gì. Thế rồi 2 vợ chồng cãi nhau thật, không nói chuyện đến mấy ngày” - chị Tr. tâm sự.
Việc xả giận trên mạng xã hội có thể làm ta vơi đi nỗi buồn nhanh chóng nhưng về lâu dài, việc “trút giận” trên thế giới ảo không phải là giải pháp tối ưu, thậm chí sẽ có tác dụng ngược. Vì đó chính là thế giới ảo mà nếu quá chìm sâu vào đó sẽ khiến ta dần xa rời thực tại. Thế nên, trước khi muốn “trút bầu tâm sự” lên mạng xã hội, mọi người cần phải thật cẩn trọng.
PHƯƠNG LAN