Cội mai của bà tôi

19/01/2018 - 08:24

Có câu 'đào Bắc mai Nam', ý muốn nói, đào là loại hoa biểu trưng cho ngày tết ở miền Bắc, còn miền Nam mỗi khi tết đến, xuân về làm sao có thể thiếu được cái sắc vàng nồng ấm của hoa mai.

Chơi mai tết thực ra cũng không mấy cầu kỳ vì đây là loại cây dễ trồng. Ngày tết, người phố thường chọn mua cây mai được trồng trong chậu về trưng. Nhà giàu có thể chọn cây có giá vài chục đến cả trăm triệu, người ít tiền chỉ cần vài chục ngàn cũng có rinh một cây về để trước sân. Tất nhiên đó là cây mai có dáng gầy, hoa cũng rất ít.

Lặt lá chuẩn bị cho mai nở hoa đúng dịp tết

Người ở quê cũng chơi mai ngày tết nhưng đó là những cội mai già được trồng trước cổng hay trong vườn. Nó gắn bó với tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ trong gia đình. Những cây mai loại này ít được chăm chút, cắt tỉa, uốn ép nên có dáng tự nhiên, được cái vì mọc trực tiếp dưới đất nên hoa nở nhiều vàng rực cả một khoảng không gian.

Nhưng dù là mai trong chậu hay cây mai được trồng trên đất thì hàng năm người chơi mai đều phải làm một việc đó là lặt lá – không kêu là vặt vì thương cây và nói vậy hơi bị thô. Việc lặt lá mai rất quan trọng vì nó quyết định đến việc mai có nở hoa đúng mùng một tết hay không. Thường thì người ta lặt lá mai trước tết khoảng 20 ngày, nhưng cũng có khi sớm hay muộn hơn – tùy thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh và độ cương của nụ mai trên từng cây.

Trước cổng nhà tôi có một cội mai già, năm nào cây mai cũng nở hoa đúng vào dịp tết, rất đẹp.

Bà tôi kể, cây mai này là do ông nội tôi trồng ngày rời quê hương tập kết ra miền Bắc. Lúc đi, ông tôi bảo, biết đâu mấy năm nữa tôi về cây mai đã có hoa. Nhưng rồi ông tôi không trở về kể từ lần ra đi ấy dù cây mai đã nhiều lần rực rỡ hoa vàng. Ông hy sinh trong trận đánh Mậu Thân năm 1968.

Từ ngày ông tôi đi tập kết, cây mai được bà tôi chăm sóc rất kỹ. Bà bắt không sót dù một con sâu nhỏ, việc lặt lá mỗi dịp cuối năm bà cũng không để ai làm. Kể cả khi cây mai đã cao lớn, mỗi khi lặt lá bà lại phải trèo lên một cây thang tre.

Có bận xem bà lặt lá mai xong, tôi hỏi:

- Bà ơi, sao bà không lặt hết mà cứ để mỗi cành còn lại một ít lá như vậy?

- Người ta sinh ra có tổ có tông, có nguồn có cội – bà tôi nói. Cây cũng vậy, có gốc, có cành, có lá già, lá non và lộc. Khi lặt lá cho cây đừng bao giờ lặt hết, giống như các thế hệ cùng chung sống sum vầy đó cháu.

- Dạ!

Trầm tư một lát, bà tôi lại bảo:

- Mà cháu nhìn xem, có phải mỗi loại lá lại có những vẻ đẹp khác nhau không. Lộc non mơn mởn như lớp trẻ đang lớn, lá xanh gánh vác trách nhiệm quang hợp nuôi cây, còn những chiếc lá già như góp thêm chút sắc màu khi đang chuyển dần sang màu vàng.

Lá mai lặt xong được vun thành đống ở góc vườn. Những ngày cuối năm, công việc đã rảnh, lá cũng vừa đủ khô để châm lửa đốt.

Khi mùi khói lá mai bay lên lũ trẻ chúng tôi chạy quanh nô đùa và biết mình lớn thêm một tuổi. Bà tôi thì già đi, bà ngồi nhìn đống lửa nước mắt giàn dụa, không biết là do khói hay bởi bà đang nhớ ông.

Theo VIỆT QUANG (Dân Sinh)