Tận dụng diện tích ngập nước
Gia đình ông Trần Văn Thoại có 1,4ha đất nông nghiệp, vụ đông xuân ông Thoại canh tác lúa, đến vụ hè thu ông bắt đầu dọn đất, cho nước vào ruộng để sạ ấu rồi thu hoạch dần cho đến hết vụ thu đông. Ông Thoại cho biết, trong các loại cây thủy sinh như: rau nhút, rau ngổ, sen... cây ấu Đài Loan được nhiều ND ở địa phương chọn để canh tác. Vì đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, khi phần lớn diện tích đất nông nghiệp trong vụ 3 đều bị ngập nước.
Trồng ấu trong mùa nước nổi
Theo ông Thoại, cây ấu Đài Loan có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, thu hoạch kéo dài nên được nhiều ND lựa chọn để canh tác. Ngoài ra, loại ấu này có chất lượng cơm ngon ngọt được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chủ yếu là bón phân và phòng ngừa ốc tấn công lúc cây còn nhỏ. Cây ấu trồng sau thời gian 2 tháng là có thể thu hoạch. Thời điểm nguồn nước dồi dào, lượng phù sa nhiều, đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, nên người trồng nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, để ấu đạt năng suất cao, người trồng cần phải chuẩn bị giống tốt, đảm bảo không có mầm bệnh hay dị tật.
Về kỹ thuật canh tác, ông Thoại cho biết, ấu giống khi thả xuống ruộng thì cho nước ra vào thường xuyên, tránh tình trạng nước trong ruộng bị thối. Ngoài ra, trong quá trình canh tác phải thường xuyên bón các loại phân hữu cơ để thúc đẩy cây phát triển, nuôi trái cũng như kéo dài thời gian thu hoạch... “Mỗi vụ, cây ấu cho thu hoạch khoảng 6 - 8 đợt. Năng suất bình quân mỗi công đạt từ 600 - 800kg. Nếu được chăm sóc tốt, 1 công ấu có thể cho năng suất 1 tấn trái mỗi vụ” - ông Thoại cho hay.
Tăng thu nhập cho nông dân
Là một trong những hộ trồng ấu Đài Loan có quy mô lớn ở địa phương, ông Võ Văn Ghe chia sẻ, do điều kiện đất đai nên đa phần người dân nơi đây không sản xuất được lúa vụ 3, nhưng nhờ vào cây ấu mà bà con vẫn có nguồn thu nhập khá. “Gia đình tôi canh tác 1ha ấu Đài Loan. Hiện nay đã thu hoạch được 2 đợt, đợt 1 năng suất 700kg/công, đợt 2 đạt 600kg/công. Thương lái mua với giá 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/vụ” - ông Ghe cho biết.
Tạo việc làm cho lao động địa phương qua việc thu hoạch, chăm sóc ấu
Ngoài việc tạo thu nhập cho bà con ND, việc canh tác ấu trong mùa lũ còn góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Thông qua công việc chăm sóc, thu hoạch, mỗi lao động có mức thu nhập từ 130.000 - 200.000 đồng/ngày. Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ cây ấu, ND còn tận dụng thân và lá của cây ấu để làm phân hữu cơ bón cho ruộng lúa trong những vụ tiếp theo. Ngoài ra, trong quá trình canh tác ấu, ruộng lúa có được lượng phù sa bồi lắng, giúp cây lúa phát triển tốt. Đồng thời, hạn chế được sâu hại, dịch bệnh gây hại do cách ly được thời gian canh tác giữa 2 vụ.
Chủ tịch Hội ND xã Hòa Bình Trần Hữu Phúc cho biết, bà con ND thường trồng ấu trên đất ruộng, thay thế cho vụ thu đông nhằm cải thiện kinh tế và hạn chế mầm bệnh ở vụ tiếp theo. Hiện nay, diện tích trồng ấu toàn xã trên 30ha, trong đó tập trung ở cồn An Thạnh. Nhờ trồng ấu, mà thời gian qua đời sống của những người dân ở địa phương ổn định, đặc biệt là trong mùa nước nổi.
ĐÌNH ĐỨC