Con đường vì hòa bình

22/10/2021 - 06:45

Kẻ thù đã ác độc, hung hãn dồn ép chúng ta vào ngõ cụt, nhưng Việt Nam đã tự tin cho chúng biết, thế nào là mở đường từ phía biển! Con đường ấy được tạo ra từ khát khao tìm kiếm hòa bình, từ ước vọng “mưa bom bão đạn” ngừng lại, từ nỗi cháy bỏng mang tên “độc lập tự do” của toàn dân tộc.

60 năm trước, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam. Đây là sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ.

Điều này được minh chứng bằng việc kẻ thù rất nhiều lần đề cập đến con đường, bằng sự “hoài nghi nhân sinh” và khiếp sợ! Theo đại tá Trương Mai Hương (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), qua báo chí và hồ sơ lưu trữ của đối phương cho thấy, ngay từ khi “đường Hồ Chí Minh trên biển” mới ra đời, hải quân, không quân Mỹ đã đề phòng và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Mặc dù vậy, trong suốt 4 năm đầu hoạt động, các con “tàu không số” của ta đã tổ chức thành công 88 chuyến, đưa hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam Bộ.

Tàu không số 2. Ảnh: T.L

Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật gì, bằng sự mầu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của đối phương có thể vượt qua bão tố, biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với kỹ thuật tối tân, trang bị hiện đại, gần như rào kín trên biển, để tới được các bến bờ miền Nam. Trong khi đó, phía đối phương mất rất nhiều công sức và tiền bạc để lần tìm con đường trên biển của ta.

Trong sách “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “…Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển... Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ-ngụy)… giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế” và “Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó, xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được thấp hơn tỷ lệ thành công thâm nhập. Có thế họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển…”.

Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc. Con đường ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế.

Những con đường, các bến bãi đều nằm trong vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt ngày đêm của địch. Song, địch phong tỏa đường trong thì ta đi đường ngoài. Địch ngăn chặn đường dài, ta đi phân đoạn. Địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế. Địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. Sau 4 năm đọ sức với quân và dân ta, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara đã phải thú nhận: “Mỹ đã thất bại quân sự ở Việt Nam”. Mỹ cảm thấy đang “chơi con bài thua” ở Việt Nam, vì “Việt cộng chiếm được nhiều quá, đến nỗi một lần nữa chúng ta (tức Mỹ) lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt làm đôi bởi một mũi dùi của Việt cộng thọc ra đến tận biển”.

Đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài...

Đến giờ, kẻ địch đã hiểu, đường Hồ Chí Minh trên biển không phải là con đường xây bằng vật chất, mà tạo ra bằng lòng người. Lòng người mở ra sức mạnh, niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Con đường ấy không đi theo la bàn, mà được dẫn dắt bởi đường lối kháng chiến đúng đắn. Ý chí, nghị lực, quyết tâm trong mỗi con người, mỗi tập thể, mỗi lực lượng, thực sự là thứ vũ khí tinh thần có ý nghĩa quyết định thành bại trên trận tuyến chống quân thù!

K.A