'Con mong bố mẹ đừng cãi nhau nữa'

19/10/2019 - 15:36

Mỗi lần gặp nhau, chị dâu tôi đều kể về cậu con trai G.B. Cháu là đứa trẻ ngoan, học nổi trội trong lớp. Chị khoe và luôn tự hào về những thành tích của con. Nhưng cách đây nửa tháng, gặp tôi vẻ mặt buồn buồn.

Chị nói: "Lâu nay chị chỉ để ý đến thành tích và chuyện học của con trên lớp, thực sự chị ít để ý cảm xúc của con, em ạ".

Rồi chị kể tiếp, chị cứ nghĩ G.B. (vừa vào học lớp 6) là đứa vô tư, ít khi quan tâm đến chuyện khác ngoài học. Thế nên vợ chồng anh chị khá vô tư trong ăn nói và cách cư xử, thậm chí cãi lộn nặng lời trước mặt con.

Cho đến khi nhận được thông điệp của cô giáo chủ nhiệm trong buổi họp phụ huynh, chị mới giật mình. Cây thông điệp "Những lời yêu thương" gửi tới bố mẹ có 3 phần: suy nghĩ của con, nhận xét của giáo viên chủ nhiệm và ý kiến của phụ huynh.

Trong phần suy nghĩ của con, mắt chị cay cay khi đọc những lời con viết:

Những điều con thích ở bố mẹ: "Bố mẹ luôn dành cho con khoảng thời gian vui chơi, cho con học thêm tiếng Anh".

Những điều con không thích ở bố mẹ: "Lúc quát con, bố mẹ hay chửi bậy; Mẹ không chú ý đến lời bọn con nói (ít khi chú ý)".

Những điều con mong muốn: "Bố mẹ không bao giờ cãi nhau nữa; Bố ít đi công tác hơn; Con muốn bố mẹ sống lâu, thật lâu. Yêu bố và mẹ".

Cầm cây bút viết những dòng chữ trên cây thông điệp đáp lại lời con, chị rưng rưng nước mắt. Chị thấy giữa cha mẹ và con đã có một khoảng trống. Và chị nhận ra, mình đã có "hạt sạn" tưởng nhỏ mà không nhỏ trong giáo dục con.

Chị còn nói: "Đòn này đúng là đánh vào tâm lý bố mẹ. Người ta nói chẳng sai, con có thế nào là do phụ huynh mà ra".

Những mong ước nhỏ nhoi của con khiến người mẹ như chị bật khóc. Chị kể áp lực công việc, áp lực cuộc sống, áp lực tiền bạc khiến chị có lúc không làm chủ được cảm xúc và lời nói của mình. Nhiều lần anh chị to tiếng trước mặt con, thậm chí chửi bậy. Đặc biệt, những khi hai con phạm lỗi gì đó, anh chị rất hay quát mắng, nặng lời.

Những khi ấy, chị không biết hai con (một đứa hiện học lớp 6, một đứa vừa vào lớp 2) cảm thấy buồn, tổn thương thế nào. Chị đã nghĩ rằng trẻ con thì biết gì, trẻ con chỉ ham chơi, ham ăn, ham học chứ ít khi để ý đến lời người lớn nói. Nhưng không phải!

Cây thông điệp cô giáo gửi phụ huynh khiến chị giật mình nhận ra mình chưa thực sự hiểu con. Chị cứ nghĩ mỗi ngày đưa đón con đến trường, mua nhiều đồ ăn ngon cho con ăn, cho con học các lớp học thêm chất lượng, mua nhiều sách tham khảo, quần áo đẹp cho con là đủ. Nhưng chị không biết rằng, một đứa trẻ cần nhiều hơn như thế. Và con trai nhạy cảm hơn chị nghĩ!

Chị tâm sự rằng lâu nay bản thân không nhìn lại cách nói năng, cư xử với con. Lúc nào chị cũng chăm chăm soi vào kết quả học tập của con trên lớp, lo tìm các lớp học thêm chất lượng cho con. Chị đã không biết rằng, điều một đứa trẻ chờ đợi nhiều hơn như thế. Nhưng chị đã chưa thực sự hiểu con.

Chị thốt lên: "Chị không ngờ những khi mình không kiềm chế được cảm xúc lại để lại cho con nỗi buồn lớn đến như vậy. Chị sẽ thay đổi vì con, em ạ".

Theo HÀN THÙY DƯƠNG (Tuổi trẻ Online)