Con người đến gần hơn giải mã ‘giấc mơ tỉnh thức’

17/12/2023 - 19:17

Các nhà khoa học đang sử dụng công nghệ AI để kích thích não bộ con người giúp họ nhận biết mình đang mơ và kiểm soát một phần giấc mơ đó.

“Giấc mơ tỉnh thức” đã mê hoặc công chúng cũng như cộng đồng khoa học thần kinh trong nhiều thập kỷ, là nguyên liệu tạo ra những bộ phim bom tấn như “The Matrix” và “Inception”. Ngày nay, công nghệ AI đang giúp con người đến gần hơn bao giờ hết mục tiêu kiểm soát giấc mơ của mình.

Eric Wollberg và Wesley Berry, đồng sáng lập Prophetic, đặt mục tiêu trở thành công ty đầu tiên phát triển thiết bị đeo giúp người dùng kiểm soát được giấc mơ của mình. Điểm chung giữa hai nhà đồng sáng lập là họ đều bị thu hút bởi ý tưởng sử dụng công cụ điện não đồ khắc hoạ một bức tranh toàn cảnh về suy nghĩ của ai đó.

“Giấc mơ tỉnh thức” diễn ra khi người đang ngủ nhận thức rằng họ đang mơ và có thể kiểm soát được một phần hay toàn bộ giấc mơ.

Prophetic đã bắt tay với Card79, hãng chuyên thiết kế và chế tạo phần cứng, cũng là đối tác của công ty giao diện điện não và máy tính Neuralink của tỷ phú Elon Musk, để phát triển một thiết bị giống như chiếc băng-đô có khả năng phát ra sóng siêu âm. Nguyên mẫu không xâm lấn này được đặt tên là “Halo”.

Thiết bị đeo AI cũng đang là từ khoá hot trong lĩnh vực công nghệ hiện tại. Chẳng hạn, Humane AI, startup thành lập năm 2017 bởi các cựu nhân viên Apple, đã ra mắt AI Pin tại Tuần lễ Thời trang Paris. Trong khi nhà thiết kế iPhone huyền thoại Jony Ive và Sam Altman của OpenAI cũng được cho là đang bắt tay thực hiện một dự án phần cứng liên quan công nghệ mới nổi này.

Khám phá tiềm thức

Theo nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, các nghiên cứu khoa học thần kinh về chủ đề “lucid-dream” đã có từ những năm 1970, nhưng sự quan tâm không ngừng tăng lên cùng với sự mở rộng của lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức.Trên diễn đàn Reddit, tiểu mục về “lucid-dream” cũng có tới 500.000 thành viên. Chủ đề này cũng đã mê hoặc công chúng, là nguyên liệu tạo ra những bộ phim bom tấn như “The Matrix” và “Inception”.

Wollberg kể lại, ông có giấc mơ tỉnh thức đầu tiên vào năm 12 tuổi và mặc dù không nhớ chính xác mình đã làm gì nhưng gọi đó là “trải nghiệm sâu sắc nhất từng có”. Lên đến trường đại học, những giấc mơ kiểu này xuất hiện dày đặc hơn, có thể lên tới hai lần một tuần, và thôi thúc nhà sáng lập Prophetic tìm cách ứng dụng khám phá ý thức ở mức độ sâu hơn.

Trong khi đó, người đồng sáng lập Berry lại có nền tảng về tạo nguyên mẫu công nghệ thần kinh, chẳng hạn như đưa dữ liệu điện não đồ vào mạng thần kinh biến áp - một mô hình AI do Google tạo ra, để khắc họa những gì con người có thể nhìn thấy trong tâm trí họ.

Dữ liệu sử dụng đào tạo thuật toán trên Halo là các tín hiệu sóng não gamma - tần số sóng não nhanh nhất có thể đo được hiện nay. Các tín hiệu này thường xuất hiện khi con người ở trạng thái tập trung cao độ và là một chỉ báo rõ ràng nhất của một “giấc mơ tỉnh thức”.

Tiếp đó, các nhà khoa học sẽ cho dữ liệu chạy qua mô hình AI giải mã để tạo ra những “mã thông báo” (token), trước khi chuyển các token này vào mô hình thần kinh biến áp. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo AI phát hiện những “điều kiện” trạng thái não cần xảy ra và kích thích thần kinh nào cần thiết cho việc tối ưu hoá việc kích hoạt vỏ não trước trán.

Lúc này, thiết bị đeo Prophetic sẽ sử dụng sóng siêu âm, kích thích chính xác phần vỏ não trước trán của người dùng khi họ đang mơ. Nghiên cứu cho thấy kích thích sóng siêu âm tập trung có thể cải thiện trí nhớ làm việc, tương tự như việc “đầu bạn bỗng nảy ra một ý tưởng mà không biết nó từ đâu ra”. Từ đó, người dùng có thể biết được họ đang mơ và kiểm soát một phần hay toàn bộ giấc mơ đó.

Theo VTC