Lễ cầu mưa của người dân tộc Thái ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh: QUỐC TUẤN)
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 26 quyết định ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Hà Nội có 5 nghề thủ công và lễ hội truyền thống được ghi danh lần này gồm Lễ hội chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; Lễ hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; Lễ hội đình Tường Phiêu xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm; Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Trước đó, nghề làm xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cũng vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Cư dân làng Trạch Xá di dân ra nhiều địa phương, mang theo nghề truyền thống của mình tạo thành những thương hiệu may áo dài nổi tiếng, tiêu biểu là các hiệu may áo dài lâu năm ở phố Lương Văn Can.
Lễ hội truyền thống làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội gắn với chùa Keo, nơi thờ bà Keo là hóa thân của chị cả Pháp Vân nhưng là em út trong Tứ Pháp vùng Luy Lâu.
Lễ hội diễn ra vào mùng 6 tháng 4 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của hai vị Thần - Phật quan trọng bậc nhất của làng là Thành hoàng làng Thượng tướng quân Đào Phúc và Pháp Vân - bà Keo, đồng thời bày tỏ ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Lễ hội mang đặc trưng của cả tín ngưỡng thờ Tứ pháp và tín ngưỡng bản địa vùng Keo.
Lễ hội đình Tường Phiêu. (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)
Lễ hội truyền thống Đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội gắn với di tích Quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu - ngôi đình cổ với nghệ thuật kiến trúc tinh xảo. Diễn ra ngày 14 tháng Giêng âm lịch, lễ hội là dịp tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh Tản có công trị thủy, dạy dân đánh cá.
Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch hằng năm, gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ 10.
Thủy đình chùa Thầy.
Lễ hội truyền thống Lễ hội Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch, gắn với ngôi chùa cổ có niên đại 1.000 năm, nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh.
Tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An có hai nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể, là nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, xã Cẩm Thanh, và nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp.
Tỉnh Thái Nguyên có thêm 3 di sản gồm Tiếng nói, chữ viết Chữ Nôm của người Dao, Tri thức dân gian Nghệ thuật may, thêu trang phục của người Dao, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ; xã Liên Minh, xã Nghinh Tường, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, và nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Ví của người Tày, huyện Định Hóa.
Tỉnh Hà Giang có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa (Mí Nhung Hơi) của người Pà Thẻn, xã Tân lập, huyện Bắc Quang, và nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Páo dung của người Dao.
Tỉnh Vĩnh Long có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Lễ hội truyền thống Lễ hội Văn Thánh Miếu, thành phố Vĩnh Long và Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Hát bội.
Nghề làm bánh tráng Túy Loan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng có thêm các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian như nghề làm bánh tráng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng, tỉnh Bình Phước, nghề làm đường thốt nốt của người Khmer, huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nghề làm bột gạo Sa Đéc, xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ hội cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: QUỐC TUẤN)
Ngoài ra, các lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng như Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer, tỉnh Trà Vinh, Lễ hội truyền thống Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long, xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Lễ hội cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và Mo Mường, tỉnh Đắk Lắk cũng được bổ sung vào Danh mục lần này.
Quyết định bổ sung còn có nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật Chèo ở Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Theo các quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Điều 1 Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa
Theo HÀ CHI (Báo Nhân Dân)