Công đoàn đại diện tham gia xây dựng chính sách pháp luật

14/11/2024 - 06:39

 - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động của công đoàn đặt ra nhiều yêu cầu, công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật càng trở nên quan trọng. Đây là cách bảo vệ đoàn viên, người lao động (NLĐ) từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

Đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh có 680 đơn vị (trừ khối trường học) tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ, đạt 100%. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên theo dõi hướng dẫn, hỗ trợ ban chấp hành công đoàn cơ sở doanh nghiệp (DN) chủ động phối hợp, tham mưu chủ DN thực hiện công tác đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Theo Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh), toàn tỉnh có 268 DN tổ chức buổi đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để giải quyết những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ. Qua đó, giúp ban chấp hành công đoàn cơ sở nắm được tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của NLĐ, kịp thời trao đổi với chủ DN để tháo gỡ, giải quyết, điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định trong DN.

Thông qua đối thoại, các bên thống nhất đưa vào thỏa ước nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ (cao hơn luật quy định), như: Thời gian làm việc 44 giờ/ngày, lao động nữ mang thai ở tháng thứ 7 được nghỉ 60 phút/ngày, tăng số ngày được nghỉ việc được hưởng nguyên lương, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền chuyên cần, chế độ hiếu hỷ, chất lượng bữa ăn ca, tổ chức khám sức khỏe, tham quan…

Đoàn viên, người lao động gửi gắm nguyện vọng cải thiện chính sách lao động, việc làm tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề

Tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Bình Long (huyện Châu Phú), hiệu quả từ việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại, thương lượng... tạo chuyển biến rõ nét. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh An Giang Trần Lưu Phong cho hay, đối thoại tại nơi làm việc không chỉ đảm bảo sự dân chủ trong DN, mà còn có tác dụng phòng ngừa mâu thuẫn trong quan hệ lao động, hạn chế và loại trừ nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động. Nhiều ý kiến của NLĐ được giải quyết, chất lượng bản thỏa ước lao động tập thể cũng nâng lên, góp phần xây dựng mối quan hệ trong DN hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang thông tin, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi NLĐ cũng được công đoàn quan tâm thực hiện thông qua việc tích cực tổ chức góp ý, phản biện đối với các dự án luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ, như: Luật Việc làm, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; tham gia đóng góp văn bản điều chỉnh bổ sung của nghị định, thông tư...

Năm nay, công đoàn tham mưu, phối hợp tổ chức  cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề 2 lần với 200 công nhân lao động (lần lượt vào tháng 5 và tháng 10). Buổi tiếp xúc đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị liên quan chế độ, chính sách trong môi trường làm việc; gửi gắm nguyện vọng trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm phù hợp với tình hình hiện nay. Phần lớn đoàn viên, NLĐ mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức ưu đãi; chính sách tín dụng tạo việc làm phải hỗ trợ đúng người, đúng việc; xem xét hỗ trợ quyền lợi cho NLĐ khi DN nợ, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ.

Các cấp công đoàn còn thực hiện 379 cuộc giám sát cơ quan, đơn vị, DN, nội dung xoay quanh việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, tập trung vào tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho NLĐ… Riêng LĐLĐ tỉnh phối hợp sở, ban, ngành tỉnh thành lập đoàn giám sát 2 DN có đông lao động về thực hiện pháp luật lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội.

Tính từ đầu năm đến nay, Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh hỗ trợ tư vấn cho 48 NLĐ liên quan chế độ trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản đối với lao động nữ... Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục duy trì hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến bằng ứng dụng chatbox trên Website LĐLĐ tỉnh, kịp thời hỗ trợ tư vấn pháp luật cho NLĐ ngoài hình thức trực tiếp và qua đường dây nóng.

Để tiếp tục tạo chuyển biến, các cấp công đoàn sẽ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của NLĐ, tập trung là Luật Việc làm (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cùng với đó, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, nhất là vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở tiến hành đàm phán, thương lượng tập thể.

MỸ HẠNH