Công trình của trái tim

19/05/2022 - 06:39

 - Khi đến di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), rất nhiều người tự hỏi, vì sao lại có một ngôi đền thờ Bác, trong khi Bác chưa hề đặt chân đến nơi này? Đơn giản là vì, tấm lòng người dân Trà Vinh nói riêng, người dân miền Tây nói chung, luôn khắc khoải thương nhớ Người, “mong Bác nỗi mong cha”. Họ muốn lập đền, thờ phụng Bác từ nơi xa xôi, như Bác đã từng “nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”…

 

Hôm ấy, lực lượng vũ trang Quân khu 9, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có mặt tại đền thờ để thực hiện nghi thức báo công, kính dâng lên Người thành tích tiêu biểu đã dày công thực hiện. Khi chúng tôi hoàn thành tất cả nghi thức, chị Hà Thị Vĩnh Bình (Tổ trưởng tổ thuyết minh) bắt đầu chia sẻ về quá trình hình thành, xây dựng đền. Chị không sử dụng micro, bởi theo chị, micro khiến người thuyết minh bị bó buộc từng tư thế, vị trí. Giọng nói của chị vẫn tiềm tàng nội lực, vang vọng, trầm ấm giữa khuôn viên đền thờ. Hơn 20 năm, chị làm việc tại đây, mỗi câu từ quyện vào tim, chẳng quên chi tiết nào.

Theo lời chị kể, khi hay tin Bác mất, mọi người vỡ òa trong niềm đau đớn tột cùng. Đường sá cách trở, chiến tranh liên miên, ước mong được viếng Bác chẳng thể thành hiện thực. Nhưng niềm thương nỗi nhớ vẫn dâng trào, chuyển thành mong ước có ngôi đền để thờ phụng Bác. Xã Long Đức lúc bấy giờ có 12 ấp. Một số ấp nằm trong vùng sâu, vùng xa, có ý kiến đề nghị xây dựng đền thờ ở các nơi đó, để người ở xa nhất thăm viếng Bác dễ dàng. Khổ nỗi, nơi xa thì không có địa điểm cao ráo.

Cuối cùng, mọi người chọn ấp Vĩnh Hội - nơi có giồng cát cao, bao bọc xung quanh là lũy tre gai dày đặc và nhiều cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, cách đó hơn 4km là tiểu khu quân sự địch, hơn 2km là căn cứ quân sự Mỹ ở Vàm Trà Vinh, 1,5km là sông Cổ Chiên - mà tàu chiến địch tuần tra bắn phá, cách 400m là đồn địch gần nhất… Nghĩa là, khi xây dựng ngôi đền, Đảng bộ và quân dân Long Đức chấp nhận mọi thách thức từ kẻ thù. Nhưng ngược lại, nếu ngôi đền xây dựng thành công, phong trào cách mạng sẽ càng dâng cao.

Ngày 10/3/1970 được chọn làm thời điểm khởi công. Chưa được bao lâu, giặc điên cuồng càn quét, bắn phá liên tục mấy tháng trời. Ngôi đền rất nhỏ, mà phải trải qua 11 tháng xây cất. Đồng bào, chiến sĩ ban ngày che mắt địch, thức trắng đêm xây dựng từng chút một. Cuối cùng, giao thừa xuân Tân Hợi (26/1/1971), đền thờ bằng tre lá được “khánh thành”. Thiếu tráng lệ, vững chãi, mà đầy ấm cúng, thấm đẫm tình thương Bác.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn xuất hiện: Lấy đâu ra ảnh của Bác để thờ? Họa sĩ Phong Ba rất lo lắng khi được giao nhiệm vụ này. Trong tay ông không có ảnh Bác, kể cả dụng cụ vẽ. May mắn thay, một đồng chí của ta trong lần ra Hà Nội công tác, trước khi về miền Nam được đến gặp Bác, được Bác tặng tấm ảnh nhỏ đen trắng làm kỷ niệm. Bức ảnh về đến tay họa sĩ Phong Ba. Đang trong vùng tranh chấp giữa ta và địch, họa sĩ phải nhờ người vào thị xã mua bộ dụng cụ vẽ. Không phụ lòng bà con mong đợi, bức chân dung của Bác được hoàn thành xuất sắc, bằng chất liệu sơn dầu.

Dĩ nhiên, đền trở thành cái gai trong mắt giặc. Ngày 10/3/1971, quân giặc huy động tiểu đoàn chủ lực 404, do một thiếu tá nổi tiếng ác ôn phụ trách, đi cùng nhiều phi cơ, tàu chiến, pháo binh yểm trợ, thay nhau tấn công, càn quét từ sáng sớm. Đến 3 giờ chiều, chúng mới tiếp cận vào khu vực. Lũy tre gai bị chúng đốt để mở đường, cho toán lính thọc sâu vào đền. Một điều đặc biệt, trước khi châm lửa đốt đền, bọn giặc đem ảnh Bác ra ngoài, bởi tự sâu trong thâm tâm, bọn chúng sợ làm điều không nên làm.

Đền cháy rồi, bà con quyết tâm xây dựng lần nữa. Bị gây trở ngại không kém lần trước, nhưng tất cả bất chấp hiểm nguy, xây dựng đền bằng cả tính mạng của mình. Mùa xuân 1972, đền thờ được khánh thành lần thứ 2. Bảo vệ ròng rã 3 năm trời, bà con mong ngày độc lập. Đến 17 giờ ngày 29/4/1975, còn 1 ngày nữa thôi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong “cơn hấp hối cuối cùng”, trước khi rút khỏi, bọn giặc điên cuồng cho máy bay bắn phá, làm hư 1 góc đền. Trả giá cho những tội ác đó, gần 500 tên địch, 2 máy bay bị loại khỏi vòng chiến đấu trước mũi súng và vũ khí tự tạo của quân dân Long Đức.

Hòa bình rồi, theo nguyện vọng của bà con nhân dân, Đảng bộ, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí tôn tạo, trùng tu ngôi đền trên 6,3ha đất. Ngày 5/9/1989, đền thờ vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, nhà che ở phía ngoài có hình dáng đóa sen được xây dựng, che mưa che nắng cho đền. Cứ đến ngày 2/9 hàng năm, nhân dân Long Đức nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung tổ chức lễ giỗ Bác rất long trọng tại khuôn viên này.

Đến giờ, ngôi đền vẫn được giữ vẹn nguyên như xưa, chừng 10m2 thôi, muốn thắp hương cho Bác phải đi lần lượt từng người, phóng viên muốn tác nghiệp phải “nương” nhau 2 bên “cánh gà”. Giữa “công trình của trái tim” ấy, nụ cười Bác vẫn tỏa sáng trên cao, vương vấn trong tim con cháu miền Nam, đau đáu ân tình…

Hiện nay, Bộ Chính trị cho phép xây dựng mô hình nhà sàn Bác Hồ (tỷ lệ 97% so với nguyên mẫu ở Hà Nội) trong khuôn viên Đền thờ. Nhân dân miền Nam không có điều kiện ra Hà Nội, khi đến thắp nhang, viếng Bác nơi này, vẫn có thể mường tượng được nơi Bác sống, làm việc 11 năm cuối đời.

KHÁNH AN