Nhân viên y tế tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 1-3-2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại cuộc họp báo ngắn ngày 5-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết COVAX - cơ chế vắcxin quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác đã phân phối hơn 20 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 tới 20 quốc gia.
Trước đó trong tuần này, chương trình chủng ngừa COVID-19 đầu tiên tại châu Phi sử dụng vắcxin do COVAX cung cấp đã được bắt đầu tại Ghana và Cote d'Ivoire. vắcxin cũng đã được vận chuyển tới 18 nước khác, chủ yếu ở châu lục Đen.
Tổng Giám đốc WHO cho biết trong tuần tới, COVAX sẽ phân phối 14,4 triệu liều vắcxin tới 31 quốc gia nữa. Mặc dù vậy thì theo ông, lượng vắcxin được phân phối thông qua cơ chế COVAX vẫn còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2 đến 3% dân số ở các nước nhận được vắcxin thông qua cơ chế này.
Ông Tedros cho biết WHO đang nỗ lực để kết nối các công ty sản xuất vắcxin với nhau để cân đối lượng cung cầu và giúp tăng công suất bào chế vắcxin.
Ông cũng kêu gọi chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin từ các công ty đang sở hữu bản quyền tới các đơn vị có khả năng sản xuất.
Ông nói: "Một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này là việc AstraZeneca đã chuyển giao công nghệ bào chế vắcxin cho SKBio ở Hàn Quốc và Viện huyết thanh Ấn Độ, hai đơn vị đang sản xuất vắcxin AstraZeneca cho COVAX."
Mục tiêu của COVAX là đảm bảo rằng không nền kinh tế tham gia nào bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vắcxin COVID-19. Mục tiêu cốt lõi của chương trình là cung cấp 2 tỷ liều vắcxin vào cuối năm nay.
Tình hình phân phối và sử dụng vắcxin trên thế giới
Liên quan tới vắcxin và chương trình tiêm chủng, Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer Inc. trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.
Đây là loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai được Hàn Quốc cấp phép, sau vắcxin của hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất. Theo thỏa thuận giữa Pfizer và Hàn Quốc, lô vắcxin của Pfizer sẽ được vận chuyển tới Hàn Quốc trong tháng 3 này.
Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sẽ nhóm họp để quyết định có đưa nhóm người trẻ vào diện tiêm vắcxin Pfizer hay không.
Moldova đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận vắcxin ngừa COVID-19 theo cơ chế cung cấp vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. Lô hàng đầu tiên gồm 14.400 liều vắcxin đã đến Moldova tối 4-3.
[COVAX da phan phoi hon 20 trieu lieu vacxin ngua COVID-19 hinh anh 2] Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng Sinovac tại một địa điểm tiêm chủng ở Sao Paulo, Brazil, ngày 2-3-2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Còn Đan Mạch đã phê duyệt sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên, khi viện dẫn kết quả nghiên cứu về vắcxin này ở Scotland (Vương quốc Anh), theo đó, vắcxin AstraZeneca làm giảm mạnh nguy cơ nhập viện của các bệnh nhân COVID-19 và cũng ở bệnh nhân lớn tuổi. Kết quả này đã được khẳng định trên quy mô lớn.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu tiến trình xem xét cấp phép sử dụng vắcxin Sputnik V của Nga, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc thiếu nguồn cung vắcxin cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Vắcxin Sputnik V do Trung tâm Dịch tễ và vi sinh học Nga phát triển. Đối tác của trung tâm này là R-Pharm Germany GmbH đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng loại vắcxin nói trên. Tính đến thời điểm hiện tại, vắcxin Sputnik V đã được cấp phép sử dụng tại 44 nước.
Séc nỗ lực thúc đẩy tiến độ tiêm vắcxin ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, nhằm ứng phó với làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19, Cộng hòa Séc đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Do hệ thống y tế đang đối mặt tình trạng quá tải, quốc gia Trung Âu này đang kêu gọi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng.
Đài Phát thanh quốc tế Praha dẫn lời Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatny tại cuộc họp báo ngày 5-3 cho biết, quốc gia Trung Âu này sẽ tiếp nhận hơn 1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong tháng 3, trong đó có khoảng 700.000 liều vắcxin của hãng Pfizer/Biontech.
Theo số liệu của Bộ Y tế Séc, đến nay hơn 250.000 người dân đã được tiêm hai liều vắcxin ngừa COVID-19 và khoảng 90.000 người trên 80 tuổi đã được tiêm vắcxin.
Số lượng đối tượng ưu tiên được tiêm vắcxin đã tăng trong những ngày qua, trong đó có hơn 31.000 trường hợp được tiêm vào ngày 4-3, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Bộ trưởng Blatny cho biết Cộng hòa Séc đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tối thiểu 35.000 liều/ngày và đạt mức 100.000 liều/ngày vào tháng 4.
Cũng trong ngày 5-3, Tổng thống Séc Milos Zeman đã ký ban hành luật cho phép nhà nước hỗ trợ 370 korun/ngày cho những đối tượng bị cách ly do COVID-19 nhằm khuyến khích người dân cách ly và khai báo danh sách tiếp xúc với các cơ quan dịch tễ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Trong hơn 2 tuần qua, Séc là quốc gia có tỷ có tỷ lệ ca mắc COVID-19 cao nhất trong EU, trong đó ngày 4-3 ghi nhận hơn 14.500 ca nhiễm mới.
Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện và trong tình trạng nghiêm trọng gia tăng. Hiện có hơn 8.000 ca mắc COVID-19 phải nhập viện, trong đó hơn 1.700 trong tình trạng nghiêm trọng.
Do các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực và giường bệnh, Bộ Y tế Séc đã bắt đầu đàm phán với các đối tác Đức, Thụy Sỹ và Ba Lan để chuyển hàng chục bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng sang các nước này để điều trị.
Trước đó, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek cho biết Đức, Áo, Ba Lan, Slovenia và Thụy Sỹ sẵn sàng hỗ trợ tiếp nhận các bệnh nhân mắc COVID-19 của Séc.
Theo Thủ tướng Séc Andrej Babis, từ nay tới trước Lễ phục sinh vào đầu tháng 4 tới, chính phủ không thể thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, song cho biết việc áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn là không thực tế.
Thủ tướng Babis nhấn mạnh nếu tất cả ngành công nhiệp bị đình trệ, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho đất nước.
Trước đó, nhằm ứng phó với làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19, Chính phủ Séc đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 30 ngày kể từ ngày 27-2, đồng thời quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong vòng 3 tuần kể từ ngày 1-3, trong đó bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang y tế tại các địa điểm công cộng, đeo khẩu trang phòng độc FFP2/KN95 tại các địa điểm có nhiều người như các cửa hàng, phương tiện công cộng, nơi làm việc.
Đáng chú ý, người dân không được tự do di chuyển khỏi quận/huyện nơi cư trú. Riêng Praha, người dân có thể tự do đi lại trong thành phố.
Cyprus mở cửa cho du khách Anh đã tiêm ngừa COVID-19
Cùng ngày, Bộ trưởng Du lịch Cyprus Savvas Perdios cho biết từ ngày 1-5 tới, nước này sẽ mở cửa cho du khách Anh đã tiêm vắcxin phòng COVID-19.
Hãng thông tấn Cyprus dẫn lời Bộ trưởng Perdios nêu rõ: "Chúng tôi đã thông báo với Chính phủ Anh rằng từ ngày 1-5, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi cho công dân Anh đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 nhập cảnh mà không cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng như không cần phải cách ly."
Theo kế hoạch trên, công dân Anh đã tiêm mũi vắcxin thứ hai vào thời điểm ít nhất là 7 ngày trước khi bay sang Cyprus sẽ được nhập cảnh vào nước này, nhưng có thể sẽ bị xét nghiệm ngẫu nhiên tại các sân bay.
Ngoài ra, công dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch của Cyprus như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Cyprus đưa ra thông báo trên sau khi tháng trước, nước này và Israel đã ký một thỏa thuận cho phép công dân hai nước đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 nhập cảnh mà không bị áp dụng biện pháp kiểm dịch khi các chuyến bay chở khách được nối lại hoạt động.
Theo TTXVN/Vietnam+