COVID-19: Sức khỏe tâm thần ở Mỹ Latinh đang ngày một trầm trọng

11/06/2023 - 14:22

Mỹ Latinh là khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch COVID-19, do đó các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở Mỹ Latinh đang ngày một trầm trọng

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở Mỹ Latinh đang ngày một trầm trọng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cũng như sức ép mà người dân phải đối mặt trước các khó khăn kinh tế-xã hội tại khu vực vốn đã chứng kiến sự chênh lệch đáng kể về thu nhập.

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông tin từ cuộc hội thảo “Sức khỏe tâm thần” do Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) tổ chức ngày 10/6 tại Mỹ cho biết Mỹ Latinh là khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu với hơn 32% số ca tử vong, trong khi đại dịch cũng đã “phơi bày” các vấn đề khu vực phải đối mặt như chính sách y tế công cộng và năng lực hợp tác quốc tế kém hiệu quả trong việc đối phó với các vấn đề trong và sau đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa nêu rõ tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần tại Mỹ Latinh trở nên trầm trọng ngay từ giai đoạn đầu khu vực này ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong năm 2020, và tình trạng này không hề thuyên giảm trong suốt quá trình phục hồi hậu đại dịch.

Tại khu vực 640 triệu dân này, các ảnh hưởng từ tình trạng thất nghiệp, mất mát người thân và tài sản, cũng như bất ổn về kinh tế đã khiến một số lượng lớn người dân bị quá tải về cảm xúc, dẫn đến phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần trầm trọng và đa chiều.

Theo Tổng Giám đốc PAHO, nghiên cứu mới đây của Ủy ban Cấp cao về Sức khỏe Tâm thần hậu COVID-19 cho thấy trầm cảm và lo lắng là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số trong khu vực.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tự tử tăng lên 7% thời gian qua, trong khi khi tỷ lệ này trên thế giới đang có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, việc không được điều trị và chăm sóc kịp thời cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Theo cơ quan khu vực trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, hơn 80% số người mắc bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, bao gồm cả rối loạn tâm thần, đã không được điều trị phù hợp.

Tại cuộc họp, Tiến sỹ Epsy Campbell Barr, Chủ tịch Ủy ban Cấp cao về Sức khỏe Tâm thần và COVID-19, cho biết nghiên cứu đưa ra 10 khuyến nghị cho các cơ quan y tế trong khu vực, trong đó nhấn mạnh đến việc hỗ trợ tài chính cho người dân trong việc thăm khám và điều trị các triệu chứng về sức khỏe tâm thần.

Tiến sỹ Campbell Barr cũng nhấn mạnh đến việc cần chú trọng đầu tư tài chính cho công tác chữa trị các bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần, cũng như việc đưa vấn đề này vào chính sách y tế cộng đồng tại các quốc gia trong khu vực./.

Theo PHI HÙNG (TTXVN/Vietnam+)