COVID-19 tới 6 giờ sáng 8-12: Thế giới trên 67,8 triệu người mắc bệnh; Số ca tử vong tăng tại nhiều nước

08/12/2020 - 07:33

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 487.273 trường hợp mắc COVID-19 và 7.716 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên sát trên 67,8 triệu người.

Châu Âu đang đối mặt làn sóng dịch COVID-19 mới nghiêm trọng hơn. Ảnh: France24

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 67.885.723 ca, trong đó có 1.549.384 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 46.893.170 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 19.37.436 ca và 106.269 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 7-12, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch ở Thái Lan. Ảnh: AFP

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 15.343.870 triệu ca và 290.323 ca. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.703.908 ca mắc COVID-19 và 140.994 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 6.623.911 ca mắc và 177.317 ca tử vong.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Italy cho biết số người tử vong tại nước này đã vượt con số 60.000 người, cụ thể là 60.078 người trong tổng số 1.728.878 ca nhiễm COVID-19.     

Số liệu chính thức của Anh công bố cho thấy trong 24 giờ qua có thêm 17.272 người tại Anh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm tại nước này lên 1.723.242. Số người tử vong do COVID-19 tại Anh tăng 231 người lên 61.245.  

Trong khi đó, Cơ quan Y tế Công của Pháp cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 11.022 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.292.497 ca. Pháp cũng ghi nhận thêm 175 ca tử vong đưa tổng số ca tử vong lên 55.155. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho rằng số ca mắc mới trong ngày tại Pháp có thể sẽ không giảm xuống mức 5.000 ca từ nay đến ngày 15-12 tới.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Athens, Hy Lạp ngày 20/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mới nhất được Viện Robert Koch công bố ngày 7-12 cho biết trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 12.332 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.183.655 ca, trong đó số ca tử vong đã lên tới 18.919 ca.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trước thềm Giáng sinh trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ngăn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.  

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 5/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trên sóng "Đài phát thanh nước Nga" ngày 7-12, Thống đốc thành phố St.Petersburg, ông Alexander Beglov, cho biết thủ đô phương Bắc của nước Nga hầu như đã "đóng cửa hoàn toàn" do virus corona. Theo ông Beglov, các giường bệnh chuyên biệt để chữa cho người nhiễm virus corona thể nặng vẫn còn song dự trữ có thể sớm cạn kiệt, các bệnh viện và phòng khám thành phố đang làm việc hết công suất và bác sĩ đã tới giới hạn làm việc.

Ông Beglov lưu ý kỳ nghỉ năm mới sắp tới sẽ không dễ dàng. Thống đốc nói: “Tiếp theo là ranh giới đỏ, sau đó là hủy bỏ chăm sóc y tế theo kế hoạch tại các bệnh viện và chuyển tất cả các phòng khám sang chế độ truyền nhiễm”. Ông nhấn mạnh cần phải ngăn chặn việc biến lễ năm mới sắp tới thành một "cuộc marathon truyền COVID-19" mà hậu quả là hàng nghìn người có thể phải nhập viện. Ông cho rằng để tránh tình hình như vậy, cần phải loại trừ việc tụ tập đông người trong các khuôn viên kín.

Ngoài ra, Thống đốc St. Petersburg không loại trừ khả năng thành phố phải đóng cửa hoàn toàn. Ông cho biết thêm vào cuối tuần trước, tỷ lệ giường phục vụ bệnh nhân virus corona trong thành phố đã "tăng nhẹ" khoảng 7%. “Nhưng điều này xảy ra không phải bằng cách giảm số ca nhập viện, mà bằng cách tổ chức điều trị theo dõi cho bệnh nhân tại nhà. Số ca nhập viện ổn định ở mức rất cao - khoảng 800 ca mỗi ngày”.

Tại một trung tâm xét nghiệm COVID-19 cộng đồng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20-11-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 615 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 580 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên 38.161 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 600 ca/ngày, cho thấy mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ ba ở nước này.

Số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao đã buộc các cơ quan y tế phải nâng mức giãn cách xã hội thêm một bậc lên 2,5 (mức cao thứ 4 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp độ) tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các khu vực còn lại áp dụng quy định giãn cách xã hội ở cấp độ 2 tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Quy định mới này chính thức có hiệu lực từ 0h (giờ địa phương) ngày 8-12 tới và kéo dài trong 3 tuần.

Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại quận Wan Chai, Hong Kong, Trung Quốc ngày 27-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế địa phương Trung Quốc cho biết đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên 3 mẫu bao bì thịt bò đông lạnh nhập khẩu tại huyện Cự Dã (Juye) thuộc tỉnh Sơn Đông (Shandong), miền Đông Trung Quốc.

Theo cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của huyện Cự Dã, các mẫu bệnh phẩm trên được lấy từ 3 lô thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina. Nhà chức trách địa phương đã niêm phong các lô thịt bò nhập khẩu trên và số hàng này sẽ không được phân phối ra thị trường. Hiện kho bảo quản số thịt bò trên và môi trường xung quanh đang được khử trùng.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 5 người có tiếp xúc gần và 7 người khác liên quan. Tất cả những người này đã được cách ly để theo dõi. Kết quả xét nghiệm ban đầu virus SARS-CoV-2 của họ đều là âm tính.

Bên ngoài một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Về tình hình dịch bệnh, cùng ngày 7-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 15 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6-12, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh. Theo đó, tính đến hết ngày 6-12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng số 86.634 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong.

Trong khi đó, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận tổng cộng 6.897 ca mắc, trong đó 112 ca tử vong. Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc) có 46 ca mắc. Đài Loan (Trung Quốc) có tổng cộng 716 ca mắc, trong đó 7 ca tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7-12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.234 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 29.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 7-12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết  trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng bệnh COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nêu rõ chính phủ đã chi khoản ngân sách trên để mua 3 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vaccine của công ty Cansino, đều của Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu, 1,2 triệu liều vaccine của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia trong ngày 7-12 và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1-2021.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.600 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 2 ca tử vong mới vì COVID-19.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.276 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Kiểm tra thân nhiệt tại Philippines. Ảnh: AFP

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 29.082 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 169 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.261.992 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.093.219 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 7-12.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại British Columbia, Canada ngày 3-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7-12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, 249.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer phối hợp cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech đồng phát triển, sẽ được chuyển tới Canada trong tháng 12 này và  hàng triệu liều vaccine sẽ tiếp tục được chuyển tới Canada trong năm 2021.

Hiện tiến trình xem xét phê duyệt vaccine của Pfizer– BioNTech đang được các cơ quan chức năng của Canada khẩn trương tiến hành. Thủ tướng Trudeau nói: “Tôi đảm bảo với người dân Canada rằng bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt tại Canada cũng sẽ an toàn và hiệu quả”.

Vaccine do Pfizer và đối tác BioNTech đồng phát triển dự kiến sẽ là vaccine đầu tiên được chấp thuận ở Canada, mặc dù quốc gia này đã ký hợp đồng cung cấp với bảy nhà sản xuất.

Ngoài vaccine của Pfizer, Canada cũng đang xem xét phê chuẩn vaccine của Moderna. Nếu vaccine của Moderna được cấp phép lưu hành, 2 triệu liều vaccine của hãng này sẽ được chuyển tới Canada trong quý I-2021.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Canada đã ghi nhận trên 400.000  trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 12.000 người đã tử vong.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)