COVID-19 tới 6h sáng 9-1: Thế giới vượt 5,5 triệu ca tử vong; Omicron lan nhanh toàn cầu

09/01/2022 - 08:17

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2 triệu ca nhiễm mới và 4.528 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 305 triệu và trên 5,5 triệu ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Martinique, Pháp. AFP -TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9-1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 305.742.064 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.501.727 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.929.317 và 5.666 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 258.846.260 người, 41.394.077 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 93.884 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 363.638 ca; Pháp đứng thứ hai với 303.669 ca; tiếp theo là Italy (197.552 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 796 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (601 ca) và Anh (313 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 60.849.585 người, trong đó có 858.978 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 35.516.186 ca nhiễm, bao gồm 483.463 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.499.525 ca bệnh và 619.937 ca tử vong.   

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 95,4 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 86,46 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 71,7 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 40,93 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,17 triệu ca và châu Đại Dương trên 1 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. AFP -TTXVN

Mỹ: Làn sóng Omicron đang lên tới đỉnh

Ngày 7-1, Nhà Trắng ra thông báo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc Thông điệp liên bang vào ngày 1-3, muộn hơn nhiều so với thời điểm thông thường các năm trước là vào cuối tháng Một hoặc đầu tháng Hai.

Việc Tổng thống Biden phải lùi ngày đọc Thông điệp liên bang một phần do nước Mỹ đang phải đối phó với làn sóng COVID-19 mới do sự lây lan của biến thể Omicron và nhiều chương trình nghị sự của chính phủ vẫn đang tắc tại Quốc hội. Tuy nhiên, điều này cũng cho phép ông Biden sẽ có thêm thời gian ứng phó với dịch COVID-19 nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải, hạn chế những tác động đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, đồng thời tìm kiếm động lực mới cho gói chính sách bước ngoặt của mình cũng như làm tăng thêm lòng tin ở cử tri để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Kế hoạch “Xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn” của Tổng thống Biden đề xuất chi hơn 1.000 tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em, người già, giáo dục và chống biến đổi khí hậu, nhưng hiện vẫn đang tắc tại Thượng viện.     

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại một nhà ga ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 1-1-2022. Ảnh: AFP-TTXVN

Đức lên kế hoạch thay đổi chiến lược vaccine

Đức phải thay đổi chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để đối phó với biến thể Omicron và đảm bảo có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới nếu phải đối mặt với biến thể coronavirus gây chết người nhiều hơn trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, chính phủ đang lên kế hoạch vận hành một hệ thống trong tương lai để có mua và cung cấp vaccine bất cứ thời điểm nào trong trường hợp xảy ra những đợt bùng phát nghiêm trọng mới. Ông Lauterbach khẳng định: “Chúng ta không được đặt ra giả định chủ quan rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc. Nó vẫn chưa kết thúc”.

Mùa Hè vừa qua, Đức từng đóng cửa các trung tâm tiêm chủng lớn ở một số bang khi nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm nhanh do số ca mắc và nhập viện giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh vào mùa Đông, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, chiếm tới 44% số ca mắc mới hiện nay, khiến nhiều bang phải mở cửa trở lại trung tâm tiêm chủng.

Ngày 7-1, chính quyền trung ương và 16 bang đã thông qua nhiều biện pháp hạn chế mới nhằm ứng phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra ở nước này.

Nhật Bản: Số ca mắc mới tại thủ đô Tokyo tăng gấp 15 lần trong 1 tuần

Chính quyền thủ đô Tokyo cho biết số ca mắc mới tại thành phố này trong ngày 8-1 lên mức 1.224 ca mắc mới COVID-19, tăng gấp 15 lần trong 1 tuần và là mức cao nhất kể từ ngày 11-9. Điều này cho thấy dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng sau khi Tokyo ghi nhận trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên khoảng 2 tuần trước.

Không chỉ Tokyo, một số khu vực khác của Nhật Bản, trong đó có tỉnh Okinawa và Hiroshima cũng ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, chính quyền Okinawa thông báo số ca mắc mới tại địa phương này ở mức cao nhất ngày thứ 3 liên tiếp, với 1.759 ca, trong khi tỉnh Hiroshima dự kiến số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận mốc "kỷ lục buồn" trong ngày 8-1, với số ca mắc mới có thể vượt 500 ca. 

Chú thích ảnh

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Naha, Nhật Bản, ngày 8-1-2022. Ảnh: Kyodo-TTXVN

Theo kế hoạch, từ ngày 9-1, Okinawa, Hiroshima và tỉnh Yamaguchi sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp và biện pháp phòng dịch trọng điểm, theo đó, các quán bar, nhà hàng sẽ rút ngắn thời gian hoạt động và ngừng phục vụ đồ uống có cồn. Chính quyền 3 tỉnh trên cho rằng sự lây lan virus SARS-CoV-2 tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa và Yamaguchi, góp phần khiến các ca mắc tại địa phương gia tăng. 

WHO lý giải các nguyên nhân khiến biến thể Omicron lây lan mạnh

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới tăng lên mức cao nhất từ trước
đến nay, giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-1 cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc.

Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, có yếu tố được gọi là "trốn miễn nhiễm", theo đó người đã mắc COVID-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm. 

Một lý do nữa liên quan sự khác biệt giữa Omicron với Delta và các biến thể khác. Theo đó, Omicron tự nhân đôi ở đường hô hấp trên, trong khi các biến thể trước đó và chủng virus gốc chủ yếu tự nhân đôi ở đường hô hấp dưới, cụ thể là ở phổi. 

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX-TTXVN

Ngoài ra, virus lây lan do mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn trong bối cảnh hiện đang là mùa Đông ở khu vực Bắc Bán cầu, không tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý. 

Theo các báo cáo gửi WHO tuần trước, thế giới ghi nhận gần 9,5 triệu ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 71% so với tuần trước đó. 

Australia: Ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh

Bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 8-1 ghi nhận 45.098 trường hợp mắc mới COVID-19, cao hơn so với mức hơn 38.600 ca một ngày trước đó. Bang này cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong do COVID-19.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP-TTXVN

Cùng ngày, bang Victoria của Australia thông báo ghi nhận 51.356 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn gấp đôi so với 21.728 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đây là ngày đầu tiên bang này tính cả kết quả xét nghiệm RAT dương tính vào số liệu chính thức nhằm phản ánh sát hơn tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Israel dự báo sẽ có 2-3 triệu người nhiễm biến thể Omicron

Giới chức y tế Israel dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron tại quốc gia Trung Đông này có thể lên tới 2-3 triệu người trước khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 hiện nay kết thúc.

Các kênh truyền hình địa phương dẫn lời giới chức y tế Israel dự báo trong tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này sẽ lên đến 50.000 trường hợp, trước khi chạm mức cao nhất là 100.000 ca trong tuần tiếp theo. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm thực tế còn lớn hơn do sự thay đổi về quy định cách ly và xét nghiệm khiến nhiều ca mắc mới xuất hiện trong cộng đồng mà không được báo cáo.

Vụ trưởng Vụ Dịch vụ công thuộc Bộ Y tế Israel, Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis cho hay biến thể Omicron không tấn công vào phổi, do đó số ca bệnh nặng thấp hơn. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 12% trong tổng số ca nhiễm mới Omicron được ghi nhận trước đó đã từng mắc COVID-19, cao hơn nhiều so với các đợt dịch trước đây.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế Israel điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa. Ảnh: AFP-TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh khiến số lượng bệnh nhân đang điều trị tại Israel lên đến hơn 89.600 người. Đến nay, nước này đã ghi nhận 8.259 bệnh nhân tử vong vì COVID-19.

Philippines: Ca nhiễm mới vọt tăng cao nhất từ tháng 9-2021

Bộ Y tế Philippines ngày 8-1 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 26.458 số ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 11-9-2021. Hiện Philippines đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 2.936.875 ca mắc COVID-19, trong đó có 52.135 ca tử vong. 

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc mới tại nước này đang ngày một gia tăng là do biến thể Omicron. Phát biểu với báo giới, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Rontgene Solante cho rằng nhìn vào số ca mắc mới COVID-19 chỉ trong một thời gian ngắn và hầu hết người bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên, có thể nói biến thể Omicron đã lây lan trong cộng đồng. Theo ông Solante, số người phải nhập viện do mắc COVID-19 đang ngày một tăng, trong đó có cả những trường hợp nặng và nguy kịch.

Chú thích ảnh

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP-TTXVN

Giới chuyên gia và giới chức y tế Philippines cảnh báo số ca nhiễm mới tại nước này sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Do đó, nhà chức trách đề nghị người dân ở nhà nếu chỉ xuất hiện triệu chứng mắc COVID-19 nhẹ, để dành giường bệnh cho các ca mắc nặng và nghiêm trọng. 

Số ca mắc mới tại Philippines tăng theo cấp số nhân được cho là do người dân đi lại nhiều trong dịp nghỉ lễ và không tuân thủ nghiêm các quy định y tế trong thời gian nghỉ lễ. Số ca mắc mới và nhập viện tăng buộc chính phủ nước này tái áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại vùng thủ đô Manila và một số khu vực khác trên cả nước. 

Chú thích ảnh

Người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Sungai Buloh, Malaysia ngày 28-6-2021. Ảnh: AFP-TTXVN

Thái Lan thành lập trung tâm cách ly riêng cho trẻ em

Thủ đô Bangkok của Thái Lan có kế hoạch thành lập 6 trung tâm cách ly phòng dịch COVID-19 dành riêng cho trẻ em để chuẩn bị đối phó với sự gia tăng số ca lây nhiễm biến thể Omicron dự kiến trong tháng này.

Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan (MSD) Somsak Akkasilp cho biết cơ quan này đang hợp tác với chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) để mở các trung tâm cách ly cộng đồng dành cho trẻ em bị nhiễm biến thể Omicron cùng gia đình ở 6 khu vực của thành phố.

Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho hay nước này đã chuẩn bị nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Bộ Y tế Thái Lan thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi dự kiến bắt đầu vào tháng tới. Việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện của trẻ em và phụ huynh. 
Chính phủ Thái Lan năm ngoái đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 50 triệu người trong tổng dân số 70 triệu (tương đương 70% dân số), sử dụng 100 triệu liều vaccine. Tính đến ngày 31-12-2021, Thái Lan đã tiêm được 104,4 triệu liều vaccine trong tổng số 130,6 triệu liều có được.

Theo Báo Tin Tức