Cảnh trong phim “Cả một đời ân oán”
Xu hướng mới
Sau sự thành công của những bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài như “Người phán xử'”, “Sống chung với mẹ chồng'”… Bộ phim “Cả một đời ân oán” vừa ra mắt những tập đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của khán giả truyền hình.
Bộ phim này từng “làm mưa làm gió” tại châu Á, thậm chí ngay tại Đài Loan (Trung Quốc) - quê hương gốc đã có 2 phiên bản: “Cô dâu triệu phú” (năm 2006) và “Cô dâu bạc triệu” (năm 2014). Giống như kịch bản gốc, “Cả một đời ân oán” xoay quanh mối quan hệ gia đình phức tạp: Vợ cả, vợ lẽ, con chung, con riêng và những câu chuyện tình cảm trong gia đình Vũ Gia.
Hiện nay việc mua lại những kịch bản từ các nước để thực hiện lại ở Việt Nam không còn là điều quá mới mẻ hay xa lạ.
Năm 2017 là năm thành công của những bộ phim được mua kịch bản từ nước ngoài. Trước đây, một số bộ phim được Việt hóa lên sóng như “Mùi ngò gai”, “Cô gái xấu xí”, “Cầu vồng tình yêu” không tạo được cơn sốt nào đáng kể. Gần đây, sự thành công của những bộ phim truyền hình Việt hóa đang khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của kịch bản.
Việc Việt hóa phim thực sự là một trào lưu và lựa chọn kịch bản nào để Việt hóa là một việc làm mạo hiểm vì không phải kịch bản nào cũng thành công như mong đợi.
Theo NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “Cả một đời ân oán” mất đến 4 năm làm lại kịch bản. Chúng tôi mua 80 tập nhưng chỉ làm 70 tập “Cả một đời ân oán”. Kịch bản trong nước viết có thể sản xuất ngay, nhưng mua kịch bản nước ngoài phải lật đi lật lại rất kỹ. Điều sợ nhất là khi Việt hóa kịch bản mà người ta không thấy xã hội Việt Nam trong đó.
Hy vọng tạo được cú hích
Sự thành công của một bộ phim truyền hình phụ thuộc khá nhiều vào nguồn kịch bản. Có kịch bản chất lượng tốt thì hy vọng tạo được cú hích để có thêm nhiều tác phẩm mới.
Việc mua lại kịch bản không phải là việc làm mới hay đáng bị chê trách. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy phim Việt đang thiếu những kịch bản hay.
Theo các nhà sản xuất phim, một trong những lý do khiến chúng ta thiếu vắng những kịch bản hay là việc đào tạo các nhà biên kịch phim truyền hình chưa chuyên nghiệp. Đa số các đơn vị sản xuất phim đều rơi vào thế “ăn đong”, cũng như phần lớn lực lượng tác giả kịch bản là nghiệp dư.
Trong bối cảnh kịch bản phim thuần Việt khan hiếm thì việc Việt hóa kịch bản phim truyền hình được xem như một hướng đi mới. Nhưng để Việt hóa thành công cũng không phải là chuyện đơn giản.
Theo NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, việc lựa chọn một kịch bản để Việt hóa là vô cùng quan trọng, đôi khi mạo hiểm. Bởi vì mỗi năm tại các hội chợ phim tại Singapore, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Israel, các hãng công khai bán bản quyền phim, bán format gameshow, trên nội dung số - đó là nền công nghiệp phát triển nhiều năm nay, tuy nhiên Việt Nam mới bắt đầu quan tâm.
Nguồn kịch bản này được “bày bán” công khai, thậm chí hàng nghìn format. Vấn đề là nhà sản xuất lựa chọn kịch bản như thế nào để phù hợp với tiêu chí sản xuất của mình.
Chọn cách Việt hóa phim ăn khách có sẵn đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đặt mục tiêu doanh thu cao hơn những sáng tạo trong nghề. Nhưng trên thực tế, không dễ dàng bê nguyên xi kịch bản gốc đưa vào làm phim. Để phù hợp với văn hóa của người Việt, các nhà biên kịch phải đầu tư công sức và ý tưởng.
Theo TRUNG KIÊN (Giáo dục thời đại)