Cù lao Phố - Một thuở vàng son

08/04/2024 - 08:48

Với 586 km, Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam với dòng nước trong xanh và ngọt ngào tinh khiết triền miên chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Từ độ cao 1.500m so với mặt biển Hà Tiên, hai dòng nhỏ Dah Nhim và Dah Dung gặp nhau và hòa chung một dòng - nơi ấy chính là khởi nguồn của sông Đồng Nai. Dòng sông đổ qua các cánh rừng, hẻm núi chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM trước khi nhập với sông Nhà Bè, Lòng Tàu đổ ra biển Đông. Trải qua thời gian, bên dòng sông hiền hòa ấy đã hình thành nên những xóm làng trù phú, khu đô thị mới sầm uất. Ngày nay, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng của khu vực Đông Nam Bộ đang đặt ra nhiều vấn đề để phát huy giá trị nhiều mặt của con sông theo hướng phát triển bền vững.

mot goc song dong nai 534.jpg

Một góc sông Đồng Nai. (Ảnh Nguyễn Thắm)

Ngược dòng về quá khứ

Dòng sông đi qua và không thể tránh khỏi quy luật bên lở bên bồi vì vậy trên sông có rất nhiều cù lao, đó chính là viên ngọc bích mà dòng sông đã gọt dũa tô điểm ngàn đời. Trên những cù lao xanh mướt ấy quanh năm trái ngọt hoa thơm, với những vườn cây trái xum xuê và sản vật nổi tiếng như bưởi Tân Triều. 

Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá của chúng tôi chính là Cù Lao Phố, là một bãi giữa dòng sông Đồng Nai, rộng 6,6 km, xung quanh được bao bọc bọc sông Cái - một nhánh sông Đồng Nai chảy vào một đoạn sông nhỏ khác gọi là Rạch Cái. Đây là vùng đất phù sa cổ. Nếu nhìn từ trên cao xuống có hình dáng như một chiếc chuông. Ngược dòng lịch sử, nơi đây xưa kia là Nông Nại đại phố - một thương cảng sầm uất đã được cụ Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí: “Phố xá mặt ngói tường vôi, lầu cao, quán rộng dọc theo bờ sông liền 5 dặm, chia vạch thành ba đường phố. Đường phố lớn lót bằng đá trắng, đường ngang lót bằng đá ong, đường phố nhỏ lót thành đá xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và sông đậu neo, có những sà lan liên tiếp nhau, một chỗ đô hội, những nhà buôn bán to lớn duy ở đây là nhiều hơn cả…”. (Gia Định Thành Thông chí).

Trải qua dòng chảy của lịch sử, thời kỳ hoàng kim của Cù Lao phố đã lui vào dĩ vãng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một đô thị cổ, một càng sông sầm uất nhất Đàng Trong suốt thế kỷ XVIII. Ngày nay Cù Lao phố thuộc phường Hòa Hiệp, thành phố Biên Hoà, là vùng quê yên ả trong lòng phố năng động của một tỉnh công nghiệp. Nhưng trong sự năng động của phố thị, nơi đây vẫn lưu giữ giá trị truyền thống, chứng tích của lịch sử. 

Vào ngày cuối tuần, du khách có thể tận hưởng không gian bình yên trong lòng phố với những ngôi nhà ẩn khuất trong những vườn cây sum suê, trĩu trịt quả ngọt hoa thơm. Nơi đây còn có ngôi đình làng cổ kính hướng mắt ra sông đứng khiêm tốn và trường tồn. Đình Bình Kính là nơi thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người đi mở cõi Phương Nam nằm bên dòng sông Đồng Nai. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bậc công thần khai quốc của nhà Nguyễn, một vị danh nhân có nhiều công lao đối với đất nước trong việc mở mang bờ cõi. Di tích được người dân làng Bình Kính xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, tức là sau khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh qua đời (1700). Trước đây vốn là ngôi miếu nhỏ, khi vua Gia Long lên ngôi tưởng nhớ đến công lao của bậc công thần đã cho trùng tu và cắt cử 10 phu trông coi. Đến năm 1951, triều Tự Đức cấp 400 quan tiền để di dời và sửa chữa. Qua rất nhiều lần trùng tu, đến nay kiến trúc của đình làng Bình Kính hết sức độc đáo khi bảo tồn được hàng cột lớn, bên trong có nhiều hoành phi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của Đức ông thuở sinh thời. Đây chính là một trong những địa điểm du lịch hành hương hấp dẫn của mỗi du khách khi đặt chân đến vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai. 

Đền thờ được xây trên vùng đất địa linh, theo đánh giá Trịnh Hoài Đức “Trước mặt đền ngó xuống sông Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thuỷ thành, dưới đấy có con cá gáy hấp gió giỡn sóng, bơi lượn ra vào, khi gió mưa nước chọi vào đá tiếng vang ồ ạt, sóng dập chập chờn, thanh oai lẫm liệt”. Với vị trí đắc địa mà người xưa đã chọn lựa, việc của thế hệ chúng ta ngày nay phải làm sao để đánh thức tiềm năng dòng sông Đồng Nai và tìm lại thời hoàng kim của Cù Lao phố.

Xuôi dòng hướng tới tương lai

cau an hao qua song dong nai 535.jpg

Cầu An Hảo qua sông Đồng Nai. (Ảnh Nguyễn Thắm)

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang, trục phát triển kinh tế - xã hội quan trọng bậc nhất trong tương lai. Vì vậy, tỉnh sẽ có chuỗi đô thị dọc sông. Để đánh thức sông Đồng Nai, theo ông Hồ Văn Nam - Bí thư Thành ủy Biên Hòa, sông Đồng Nai đoạn qua thành phố là tài sản quý giá để kiến tạo đô thị sông nước. Không những thế, dọc bờ sông còn có kho tàng văn hóa và di tích lịch sử. Những tài sản này bản sắc văn hóa độc đáo, nối liền quá khứ với hiện tại. Trong quy hoạch chung xây dựng kỳ này, thành phố sẽ khai thác tối đa lợi thế không gian cây xanh, mặt nước và các giá trị văn hóa, lịch sử nhằm tạo ra không gian phát triển mới, môi trường sống thịnh vượng cho người dân.

Được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái, cù lao Hiệp Hòa (cù lao Phố) có tổng diện tích gần 700ha, nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị Biên Hòa, được đánh giá là khu vực có vị trí “vàng” trong phát triển đô thị và tạo điểm nhấn về không gian, cảnh quan cho đô thị Biên Hòa.

Tháng 1-2024, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án Khu đô thị Hiệp Hòa đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3-2023. Dự án có diện tích khoảng 293 ha, quy mô dân số 31,6 ngàn người. Dự án hướng đến mục tiêu đầu tư xây dựng hình thành khu đô thị, khu phức hợp dịch vụ mới, khang trang, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp đa dạng hóa các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng... Bố trí hài hòa các loại hình đảm bảo các hoạt động diễn ra cả ngày lẫn đêm, hình thành dãy phố thương mại sầm uất, đáp ứng nhu cầu ở, kinh doanh dịch vụ, lưu trú. Tổng số vốn đầu tư dự án hơn 72 nghìn tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ được triển khai trong thời gian 12 năm, từ năm 2023-2035, được phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần.

Với những tiềm năng phát triển đô thị, Cù Lao Phố được đánh giá khu vực quan trọng đặc biệt trong kiến tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa - thành phố ven sông Đồng Nai. Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố Biên Hoà và định hướng phát triển của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong tương lai Cù Lao Phố trở thành biểu tượng của thành phố văn hoá phát triển bền vững bên dòng sông Đồng Nai. Và một lần nữa dòng sông sẽ được đánh thức tiềm năng của một thời vàng son….

Theo Vietnamnet