Cùng nhau đẩy lùi “tín dụng đen”

14/01/2019 - 07:30

 - Thời gian qua, trên cả nước, tình trạng “tín dụng đen” có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Thủ tục đơn giản (chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe, hộ khẩu…), lại được giải ngân nhanh, nên thu hút một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn tham gia. Tuy nhiên, kèm theo đó, các đối tượng cho vay đưa ra mức lãi suất rất cao (từ 20-60%), khiến người vay mất khả năng chi trả, bị siết nợ, đòi nợ bằng phương thức vi phạm pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, hoạt động “tín dụng đen” đang có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, lực lượng công an đã rà soát, lên danh sách được 34 nhóm, liên quan đến 136 đối tượng (trong đó có 14 nhóm, 56 đối tượng là người địa phương; 20 nhóm, 80 đối tượng là người ngoài tỉnh) và 36 đối tượng là người địa phương hoạt động riêng lẻ. Hoạt động của các đối tượng núp bóng bằng hình thức thành lập công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại dịch vụ, cơ sở kinh doanh cầm đồ... để cho vay dưới nhiều hình thức. Bước đầu, lực lượng chức năng đã tiến hành đấu tranh, xử lý 34 vụ, 91 đối tượng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như: cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, quảng cáo, phát tán tờ rơi sai quy định, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng... Trong đó, xử lý hành chính 16 vụ, 39 đối tượng; cho làm cam kết 3 vụ, 6 đối tượng; đưa đi cai nghiện 2 đối tượng và tiếp tục xác minh, xử lý 14 vụ, liên quan 44 đối tượng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Để ngăn chặn, xử lý triệt để hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Bộ Chính trị, kế hoạch phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Các cơ quan chức năng (Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, MTTQ, Hội Nông dân, các cơ quan thông tấn báo chí…) tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân đối với các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, về tác hại của “tín dụng đen”. Tập trung tuyên truyền nâng cao cảnh giác của người dân trước thủ đoạn lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, cho vay lãi nặng của tội phạm.

Cùng nhau đẩy lùi “tín dụng đen”

Kiểm tra hành chính một số giấy tờ cho vay lãi nặng của các đối tượng ngoài tỉnh

Một trong những giải pháp có thể chặt đứt “vòi bạch tuộc” của “tín dụng đen” là cần phải giúp người có nhu cầu vay vốn được tiếp cận với các nguồn vay an toàn, tiện lợi, nhanh chóng. UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, cải cách hành chính, đa dạng hóa các hình thức cho vay vốn nhằm tạo sự thuận lợi trong hoạt động giao dịch tín dụng chính thức.

Về giải pháp xử lý các đối tượng vi phạm, cơ quan tư pháp các cấp có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng phù hợp với tình hình thực tế. Lực lượng Công an thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường nắm tình hình liên quan đến “tín dụng đen”, cảnh báo người dân biết thủ đoạn của các đối tượng cho vay lãi nặng, vay lãi suất cao; phối hợp rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty đòi nợ thuê, dịch vụ cầm đồ. Kịp thời phát hiện, đấu tranh với các nhóm, đối tượng đang hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ theo kiểu “xã hội đen”, chủ động xây dựng kế hoạch hoặc xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa tận gốc; cương quyết không để loại tội phạm này có điều kiện phát sinh, phát triển, gây án làm phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng. Các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời những vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là những vụ án được dư luận xã hội quan tâm để răn đe tội phạm và tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn phụ trách.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích