Cùng viết nên “Nhật ký chống dịch”

11/11/2021 - 07:48

 - Những bức ảnh “selfie” trong lúc lấy mẫu test nhanh trong bộ đồ bảo hộ kín mít, những bức ảnh chụp cảnh đồng đội đang dùng bữa cơm vội vàng, chụp đồng nghiệp ngủ gục khi mệt nhoài… đã trở thành những kỷ niệm, những trang nhật ký sinh động về một thời chống dịch của các bạn trẻ. Năm tháng có đi qua, nhưng những kỷ niệm về một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết chắc chắn sẽ mãi còn ghi dấu, khi lần hồi mở lại những trang “nhật ký chống dịch”.

Cuộc “chiến đấu” với đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm, là ngần ấy năm mọi tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực chống dịch. Qua đợt dịch đầu tiên, thứ 2, thứ 3 và thứ 4 bùng phát đã mang lại muôn vàn cảm xúc, ký ức khó quên. Trong những tháng đầu tiên xuất hiện dịch bệnh, là sự ngỡ ngàng của thế giới trước diễn biến nhanh của virus SARS-CoV-2 đến tinh thần đoàn kết, quyết tâm “chống dịch” của cả dân tộc Việt Nam được khơi gợi. Đó là từ bài hát Vũ điệu rửa tay “… cùng nhau xoa xoa tay đều và không đi ra nơi đông người, đẩy lùi virus Corona, Corona…” đến những bức tranh của các em thiếu nhi với những hình ảnh đầy xúc động của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Những câu chuyện cảm động về các tình nguyện viên ngày đêm may khẩu trang vải, làm "tai giả", chế tạo nước sát khuẩn, máy sát khuẩn tự động để chia sẻ cho cộng đồng. Tất cả đều thân thương, ấm áp!

Đến những “ngày, tháng, năm” của đợt dịch thứ 4 bùng phát, biến thể Delta càng làm cho cuộc chiến với đại dịch ngày càng cam go, khốc liệt. Cuộc sống nơi “TP. Hồ Chí Minh hoa lệ” bỗng chốc đổi thay theo từng con số ca bệnh tăng lên nhanh chóng mỗi ngày. Rồi đại dịch lây lan nhanh đến khắp các tỉnh. Các cụm từ: cách ly, phong tỏa, truy vết, bóc tách F0, số ca lây nhiễm mỗi ngày, số ca khỏi bệnh đã trở nên quen thuộc và đôi khi trở thành nỗi ám ảnh. Nay thì tin tức nói rằng nơi này thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, mai chỗ kia áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg, mốt lại khóa toàn khu vực với Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người lại canh cánh bên chiếc điện thoại, để tìm kiếm thông tin, những văn bản mới nhất của địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

“Tháng trước, TP. Hồ Chí Minh những con đường lúc nào cũng kẹt xe và đông đúc người, vậy mà giờ lại vắng bóng người, những tấm ảnh của ai đó chụp thành phố từ trên cao, đẹp quá nhưng mọi thứ không nhộn nhịp như trước mà thay vào đó là cảnh đường phố vắng vẻ… Ngày, tháng, năm… An Giang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg toàn tỉnh, những con đường TP. Long Xuyên cũng trở nên vắng vẻ, con người ta không còn cảm giác được lao ra đường, sống với bao kế hoạch, tính toán công việc, sinh hoạt như mỗi ngày. Ngày, tháng, năm… ta không thèm ghét COVID-19 nữa, bởi trong việc ở yên tại nhà ta nhợt nhận ra, bản thân lâu nay sống quá vội vã, thiếu đi những phút giây để suy ngẫm về giá trị cuộc đời, về mối quan hệ với gia đình và xã hội, về những thành-bại, được-mất của bản thân, tự soi rọi bản thân mình, ngoài kia bao người tình nguyện, quyết tâm chống dịch, ta ở nhà êm ấm, tự hỏi đã cống hiến gì chưa…”. 

Đó là một góc nhật ký nhỏ trong nhiều trang nhật ký của các bạn trẻ thể hiện tâm tư, tình cảm trong những ngày tháng dịch bệnh bùng phát. Đó là những cảm xúc bất chợt được viết vội vàng "lên tường" trên mạng xã hội: Zalo, Facebook, Instagram… đính kèm những tấm ảnh sưu tầm hay đi đâu đó chứng kiến hay cẩn thận hơn là viết vào quyển sổ tay cá nhân, để rồi khi rảnh rỗi, chủ nhân lại “lướt” về quá khứ, xem lại “nhật ký” ngày, tháng, năm của những lúc khó khăn do đại dịch.

“Tôi đã rưng rức nước mắt khi chứng kiến dòng người đổ xô về quê tránh dịch. Cuộc mưu sinh nơi xứ người làm vất vả luôn cả em thơ. Các em ngơ ngác về quê cùng cha mẹ, vui mừng khi được ai đó tặng cho hộp sữa, cái bánh”, dòng nhật ký của một chiến sĩ công an TP. Long Xuyên làm nhiệm vụ trong những ngày An Giang hỗ trợ người dân từ vùng dịch tự phát về quê. “Hôm nay, tôi đi làm phụ bếp, nào là chiên cá, kho thịt, lặt rau, vận chuyển thức ăn đến khu cách ly… Công việc luôn tay luôn chân nhưng mỗi lần thấy người dân nhận được hộp cơm trên tay, tôi vui lắm. Giờ mới hiểu cảm giác cho đi, làm thiện nguyện là thế nào”- chị Đặng Thị Mỹ Duyên (tình nguyện viên xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) viết trong nhật ký yêu thương của chính mình.

“Các bác sĩ quân y, lực lượng hậu cần ngoài công việc chuyên môn, khi rảnh rỗi hãy nhớ lưu lại vài dòng nhật ký trong những năm tháng chống dịch nhé, đó là kỷ niệm, thành quả vinh quang của mỗi chiến sĩ. Từng dòng chữ trong quyển sổ tay, từng tấm ảnh sinh động hàng ngày sẽ giúp chúng ta kể lại cho thế hệ sau thế nào là “cuộc chiến vô hình” với virus SARS-Cov-2, những ngày tháng gian nan, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp xã hội để mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và để thế hệ sau trân quý hơn những giá trị, niềm vui đang có hiện tại” - thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân Khu 9 nhắn nhủ với các y, bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

TRÚC PHA