Cước vận tải biển vẫn ở mức cao, sản phẩm xuất khẩu kém sức cạnh tranh

07/06/2024 - 06:37

 - Khủng hoảng ở Biển Đỏ tác động mạnh đến giá cước vận tải biển. Thời điểm hiện nay, mặc dù giá cước đã giảm so với đỉnh điểm (tháng 12/2023) nhưng vẫn đang ở mức cao. Việc này tác động đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ngành hàng cá tra, lúa gạo, may mặc, giày da, chế biến gỗ bị tác động

Cước vận tải biển tăng mạnh

Thông tin từ Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển trên một số tuyến chính từ Việt Nam đi Châu Âu, Châu Mỹ hiện vẫn cao gấp 2 - 3 lần so trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, giá cước vận tải biển của container 40 feet từ Việt Nam đi Hoa Kỳ hiện ở mức 7.000 - 8.000 USD/container, so mức 2.500 - 3.000 USD/container trước đại dịch. Tương tự, giá cước vận tải biển container 40 feet từ Việt Nam đi Châu Âu hiện ở mức 6.000 - 7.000 USD/container, so với mức 2.000 - 2.500 USD/container trước đại dịch.

Cước phí vận tải biển ở mức cao khiến cho hàng loạt ngành hàng xuất khẩu bị tác động mạnh, trong đó có ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo và hàng điện tử… Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng. Các mặt hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez. Việc khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm cho việc xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 17 DN chế biến cá tra xuất khẩu, 38 DN (trong và ngoài tỉnh) tham gia xuất khẩu gạo cùng nhiều DN ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… Kể từ tháng 12/2023, khi lực lượng Houthi ở Yemen tăng cường tấn công vào các tàu đi qua vịnh Aden và phía nam Biển Đỏ đã làm cho việc vận chuyển hàng hóa qua đây bị gián đoạn. Lực lượng Houthi đã phóng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) chứa thuốc nổ vào các tàu buôn từ nhiều quốc gia đi qua vùng biển quốc tế này. Những vụ tấn công vừa qua đã làm ảnh hưởng đến những chuyến tàu chở hàng hóa đi từ Châu Á sang Châu Âu.

Chiến sự xảy ra, hầu hết tàu chở hàng lớn phải chuyển hướng từ kênh đào Suez sang các tuyến đường dài hơn - qua mũi Hảo Vọng. Sự thay đổi hành trình của tàu làm cho 1 chuyến đi thông thường mất 35 ngày, nay kéo dài thêm 14 ngày. Nghĩa là, tàu chọn hải trình qua mũi Hảo Vọng thì hàng hóa từ Việt Nam đến cảng ở Châu Âu phải mất đến 49 ngày. “Khủng hoảng ở Biển Đỏ tác động rất lớn đến ngành cá tra, trước hết làm tăng chi phí sản xuất. Cước tàu tăng cao làm cho nguyên liệu đầu vào tăng (thức ăn, bán dầu đậu nành…), ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Chi phí tăng cao thì lợi nhuận sẽ giảm, sức cạnh tranh của sản phẩm kém đi, DN khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm và rủi ro về thị trường là rất lớn…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Nhanh chóng thích ứng

Tại An Giang, ngoài những DN có quy mô lớn, tác động của cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN xuất khẩu có quy vừa và nhỏ, bởi loại hình DN này vốn có lợi nhuận thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế, nay còn bị tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao làm cho việc sản xuất và bán hàng sản phẩm cực kỳ khó khăn.

“Khủng hoảng ở Biển Đỏ tác động trực tiếp đến ngư dân trồng lúa, nuôi cá tra. Trong nhiều tháng qua, xuất khẩu cá tra gặp khó, làm cho giá thu mua nguyên liệu của các nhà máy giảm theo. Cụ thể, giá mua cá tra trong kích cỡ tại hầm hiện nay chỉ 27.500 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi lại cao hơn, nông dân vô cùng lo lắng…” - ông Nguyễn Văn Lân (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Cước vận tải biển tăng đã gây ùn tắc tại các cảng biển. Nguyên nhân là do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao nhưng năng lực vận chuyển hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cảng biển, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Hơn thế nữa, tình trạng thiếu container rỗng đã xảy ra, gây khó khăn cho việc đóng hàng của các DN.

“Sở Công Thương khuyến khích các DN xuất, nhập khẩu trong tỉnh tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến trên Biển Đỏ. Từ đó, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác mua hàng, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng và giao nhận hàng hóa, đây là giải pháp tình thế nhằm thích ứng nhanh chóng với tình hình khủng hoảng đang xảy ra…” - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng khuyến cáo.

Hiện tại, để giảm tác động tiêu cực của cước vận tải biển tăng cao, DN trong ngành cá tra và lúa gạo thực hiện một số giải pháp nhằm nhanh chóng thích ứng, như: Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, việc này nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Tăng cường hợp tác với các DN nội ngành để chia sẻ chi phí vận tải, đàm phán giá cước vận tải tốt hơn với các hãng tàu. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp logistics hiệu quả, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để giảm thiểu tác động của việc cước vận tải biển tăng cao.

 “Những năm qua, ngành hàng cá tra liên tục bị tác động bởi các yếu tố khách quan (dịch bệnh, chiến tranh), chúng tôi đang thực hiện các giải pháp phù hợp để giảm tác động này và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nỗ lực duy trì hoạt động của nhà máy, giữ chân công nhân, giữ khách hàng, thị trường và các đối tác trong thương mại...” - Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

MINH HIỂN