Cựu chiến binh hốt thuốc cứu người

23/06/2022 - 07:40

 - Với tâm niệm “cho đi mà không cần nhận lại”, chú Nguyễn Văn Ẩn cùng tập thể lương y, kỹ thuật viên, tình nguyện viên tại Phòng Chẩn trị Đông y số 1 - Chi hội Đông y xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) luôn ân cần và làm việc hết mình với bệnh nhân. Nghĩa cử cao đẹp của họ đang được người dân trong và ngoài địa phương ghi nhận.

Địa chỉ tin cậy

Tọa lạc tại ấp Cây Me (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), Phòng Chẩn trị Đông y số 1 - Chi hội Đông y xã Châu Lăng từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều  bệnh nhân trong và ngoài địa phương biết đến, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư. Đến đây, bệnh nhân được hỗ trợ điều trị, hốt thuốc miễn phí. Người quản lý Phòng chẩn trị Đông y số 1 là chú Nguyễn Văn Ẩn, một trong những người nặng lòng với công tác chữa bệnh cứu người tại địa phương.

Đến nơi làm việc của chú Ẩn vào dịp giữa tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tấp nập của lương y và người dân đến khám, chữa bệnh. Với diện tích khiêm tốn, nhưng ở bên trong phòng thuốc, những thùng dược liệu được sắp xếp cẩn thận, ngăn nắp để tạo sự thuận tiện cho việc bốc thuốc...

Trò chuyện với chúng tôi, chú Ẩn cho biết, Phòng Chẩn trị Đông y số 1 được xây dựng tại đây từ năm 2000. Ban đầu, cơ sở vật chất và điều kiện khám chữa bệnh còn thiếu thốn đủ thứ. Nhưng bằng cái tâm của người thầy thuốc, thêm vào đó là sự đóng góp, hỗ trợ từ những người bệnh đã khỏi, các nhà hảo tâm cùng với chính quyền địa phương nên phòng khám ngày càng đi vào nền nếp như hiện nay.

Đến đây, mọi người đều cảm nhận được những tình cảm ấm áp, chân thành, của các lương y. Không có sự phân biệt giàu, nghèo, cũng không cần  phải chi bất cứ khoản tiền nào, chỉ cần khai rõ bệnh, thầy thuốc sẽ bắt mạch, kê toa...

Chú Ẩn cho biết, mỗi tháng, Phòng Chẩn trị Đông y số 1 hỗ trợ điều trị khoảng 300 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh về gan, phổi... Hầu hết người đến đây đều là những bệnh nhân nghèo, không có điều kiện chữa trị bằng phương pháp tây y. Không chỉ có bệnh nhân địa phương, nơi đây còn tiếp những người ở các huyện và các tỉnh lân cận. Họ đến đây bởi “tiếng lành” đã được “đồn xa” từ những người đã được điều trị khỏi bệnh.

Chú Ẩn luôn tận tâm với bệnh nhân

Với số lượng bệnh nhân đông đảo như trên, nhu cầu về các loại dược liệu để phục vụ công tác cứu chữa cũng tăng theo. Theo chú Ẩn, từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức, cơ sở có được khu trồng dược liệu với diện tích khoảng 3,5ha ở thị trấn Ba Chúc.

“Nhu cầu dược liệu của bệnh nhân ngày càng cao, trong khi nhiều loại thuốc có giá khá đắt, nhiều loại khó mua trên thị trường gây khó khăn trong việc điều trị. Được hỗ trợ đất trồng dược liệu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trồng 36 loại ngải khác nhau. Hiện nay, đã phát triển được 10 loại, trong đó có nhiều dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: Ngải hổ, xuyên điền thất, xuyên khung... Do có giá trị cao nên chúng tôi đã bố trí người ở lại để trông vườn, đồng thời thuận tiện cho việc chăm sóc. Ngoài ngải, chúng tôi còn dự định trồng thêm 10.000 cây xạ đen để đảm bảo nguồn dược liệu cứu người” - chú Ẩn chia sẻ.

Tấm lòng lương y

Hầu hết bệnh nhân đến với Phòng Chẩn trị Đông y số 1 đều là người nghèo, thậm chí rất nghèo. Bởi vậy, ở đây không thu tiền khám chữa bệnh, ai ủng hộ bao nhiêu là tùy tâm. Nhiều nhà hảo tâm thấy hoạt động của cơ sở có ý nghĩa nên trực tiếp đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động.

Phòng Chẩn trị Đông y số 1 hiện có 6 lương y. Tùy vào chuyên môn mà mỗi người đảm nhận các công việc khác nhau, từ bắt mạch, hốt thuốc, kê toa... Đây là những người có nhiều tâm huyết, có tấm lòng nhân ái, mong muốn được góp một phần sức mình để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong đó, chú Nguyễn Văn Ẩn được coi là “đầu tàu” trong việc hình thành và duy trì phòng khám.

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ, chú Ẩn đã có niềm đam mê với việc chữa bệnh cứu người. Bà của chú là thầy thuốc nên từ nhỏ, chú được tiếp cận với nhiều loại dược liệu khác nhau. Đặc biệt, chú Ẩn từng có thời gian tham gia cùng bộ đội du kích tại địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng có 3 năm học đông y tại Quân khu 7... Với những kiến thức học được, cùng với mong muốn được giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong lúc ốm đau, chú Ẩn quyết định thành lập phòng đông y tại địa phương. Sau nhiều biến đổi, Phòng Chẩn trị Đông y số 1 dời về dưới chân cầu Cây Me, hoạt động ổn định cho đến nay.

Ngoài cơ sở tại cầu Cây Me, chú Ẩn còn quản lý thêm phòng đông y khác tại thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), với 4 lương y. Đây cũng là một trong những địa chỉ nổi tiếng thu hút rất đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đặc biệt có cả những người đến từ miền Bắc. Mỗi tuần, chú Ẩn chia thời gian để quản lý 2 phòng khám đông y và quản lý vườn thuốc nam. Sự tận tâm của chú cùng đội ngũ lương y, tấm lòng thiện nguyện của hội viên trong hoạt động từ thiện luôn được người dân trân quý.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích