Cựu chiến binh trong thời bình

14/09/2023 - 06:12

 - Cựu chiến binh là những người lính từng chiến đấu, trưởng thành trong các lực lượng vũ trang nhân dân, cống hiến rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác cựu chiến binh là một trong những công tác vận động quần chúng quan trọng của Đảng, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Khen thưởng hội viên cựu chiến binh tiêu biểu

Quan tâm đội ngũ cựu chiến binh

Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới” là nội dung nền tảng, giúp Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát triển rộng khắp, hoạt động tích cực trên nhiều mặt, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Hội xứng đáng là một đoàn thể chính trị - xã hội, là chỗ dựa của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở.

Về nhiệm vụ, cựu chiến binh phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN; giúp nhau cải thiện đời sống; góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.  

Từ Nghị quyết 09-NQ/TW, cấp ủy Đảng quan tâm 7 vấn đề đối với cựu chiến binh. Đó là thường xuyên bồi dưỡng cựu chiến binh tiếp tục rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật; giúp cựu chiến binh kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ; động viên cựu chiến binh cùng với các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…

Đồng thời, giúp đỡ cựu chiến binh phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững; phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng giáo dục con cháu, thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường.

Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, phát triển hội viên, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong lực lượng cựu chiến binh; chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể tăng cường mối quan hệ, có quy chế phối hợp hoạt động với hội cựu chiến binh trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.

Nghị quyết tiếp tục khẳng định quan điểm rằng, cựu chiến binh là một mặt công tác vận động quần chúng quan trọng của Đảng, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh, chỉ đạo toàn diện về chính trị tư tưởng và tổ chức.

Được tiếp sức bằng nghị quyết quan trọng, Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh không ngừng quan tâm lãnh, chỉ đạo các cấp hội phát triển, xây dựng hội, kết nạp hội viên. Nếu như năm 1992, toàn hội chỉ có 3.640 hội viên, đến năm 2002 phát triển lên 11.303 hội viên; năm 2022 có 12.502 hội viên. Trong số đó, 94 hội viên tham gia kháng chiến chống Pháp, 2.284 hội viên tham gia kháng chiến chống Mỹ; 486 hội viên nữ; 3.663 hội viên là đảng viên.

Nỗ lực của người lính

Các cấp hội không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương giao. Cụ thể, những người lính năm xưa tích cực thực hiện phong trào cách mạng, quan tâm chăm lo giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội chăm lo gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và hội viên khó khăn, bị thiên tai, dịch bệnh, neo đơn và bị bệnh hiểm nghèo; vận động Nhân dân quan tâm hỗ trợ về kinh tế, cất nhà Đồng đội, nhà Đại đoàn kết.

Đồng thời, họ thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thành lập câu lạc bộ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm; tổ hòa giải về tình làng nghĩa xóm, vệ sinh môi trường… mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Cựu chiến binh Huỳnh Châu Son (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường Bảy Núi (Tức Dụp, núi Dài, Cô Tô, núi Cấm…). Trong trận đánh dữ dội tháng 12/1969 tại núi Nam Qui, ông bị thương. Tháng 5/1970, ông bị thương lần nữa, vướng bom địch gài. Giữ được mạng sống, nhưng ông không giữ được chân phải của mình. Phục viên, ông công tác ở xã, làm tròn vai trò trưởng ấp, dạy dỗ con cháu giữ nếp sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Điều đáng khâm phục nhất, thương binh 2/4 Huỳnh Châu Son là tấm gương vượt khó xây dựng mái ấm tròn vẹn cho gia đình từ đôi tay trắng. “Tôi luôn nhớ rằng, mình là người chiến sĩ cộng sản, phải có lập trường kiên định, ý chí như sắt đá. Khi chiến đấu, tôi luôn vượt lên trở ngại, khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Hòa bình rồi, càng phải nỗ lực vượt lên mặc cảm số phận.

Tôi hay nói với vợ: “Tôi là đảng viên, cụt 1 chân tôi không sợ. Còn đôi tay và 1 chân, tật nhưng chưa phế, tôi sẽ lo cho mình và 3 đứa con”. Quyết tâm thoát nghèo, từ 2 công ruộng khi trúng khi thất, tôi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lúa vụ 3. Có nguồn vốn vay sản xuất, tôi dần sang nhượng thêm vài công ruộng. Thu nhập gia đình tăng lên 80 triệu đồng, rồi 100 triệu đồng/năm. Các con tôi đều thành đạt, cuộc sống ổn định” - ông Huỳnh Châu Son chia sẻ.

Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người lính anh hùng trong quân ngũ, tiêu biểu trong đời thường như cựu chiến binh Huỳnh Châu Son. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Thanh bày tỏ: “Phải khẳng định rằng, trong những năm qua, cựu chiến binh là lực lượng chính trị làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tin tưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương”.

Nghị quyết 09-NQ/TW xác định: “Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng cần tăng cường lãnh đạo công tác vận động cựu chiến binh để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống; phát huy tiềm năng to lớn của cựu chiến binh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Vì vậy, tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết, Hội Cựu chiến binh tỉnh đề nghị nâng Pháp lệnh Cựu chiến binh (ngày 7/10/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) lên thành Luật Cựu chiến binh để ngang tầm và phù hợp với nhiệm vụ.

AN KHANG