Theo BSCK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi 4 tuổi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, chảy nhiều máu, gãy tay, có vết thương hở ở chân, bụng trướng, tri giác không ổn định.
Theo lời mẹ bệnh nhi kể lại, khi chị đang tắm cho con lớn, lúc ra ngoài phòng thì không thấy con đâu, nghĩ con sang nhà hàng xóm chơi. Nhưng một lát sau, chị nghe dưới sân chung cư, mọi người hô to có một em bé vừa ngã. Khi chạy xuống, chị thấy con mình đang nằm nghiêng một bên, vết thương ở chân và tay rất nặng, lộ cơ và xương, mất nhiều máu. Rất may vì khi rơi, bé được mái che ở tầng 1 đỡ trước khi tiếp đất.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhi có máu tụ dưới màng cứng và xuất huyết vùng hố sau, chấn thương dập gan, xương cánh tay trái gãy hở độ III, tổn thương động mạch cánh tay trái. Ekip trực hội chẩn khẩn cấp và quyết định xử trí phẫu thuật ngay cho bệnh nhi.
Phẫu thuật cứu chữa bệnh nhi tại BV Nhi Đồng 2
BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, người trực tiếp thực hiện nối mạch cho bệnh nhi cho biết, quá trình phẫu thuật trong đêm diễn ra vô cùng căng thẳng vì bé bị đa tổn thương nặng nề, men gan tăng cao, nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu rất cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi.
Bên cạnh đó, mạnh máu bị dập có nguy cơ tắc lại cao và vấn đề kháng đông lại cần phải cân nhắc vì nguy cơ chảy máu tiếp tục... Áp lực lên ekip mổ nối mạch vô cùng nặng nề vì phải thực hiện nhanh, đúng, chính xác, hạn chế phải mổ lại vì bệnh nhi đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, không thể gây mê nhiều lần.
Ca phẫu thuật diễn ra khẩn trương trong vòng một giờ và sau đó bệnh nhi đã được đưa về khoa Hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị bảo tồn các tổn thương ở vùng đầu, gan.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực tại khoa Hồi sức, cháu bé đã hồi tỉnh và xuất viện với tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc bình thường.
Được biết, từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị 656 ca tai nạn sinh hoạt vào cấp cứu và điều trị, trong đó có 54 ca bị chấn thương đầu sọ não và nguyên nhân do ngã chiếm tỉ lệ cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bé chảy máu nhẹ thì đè ép, băng nhẹ sẽ lành. Đối với vết thương lớn gây chảy nhiều máu thì việc sơ cứu ở nhà rất quan trọng giúp tránh mất máu và nhiễm trùng. Nếu có gạc, khăn sạch và băng thì cần ép chặt vết thương và di chuyển nhanh đến bệnh viện. Đối với vết thương ở vùng đầu cổ thì cần tránh gây đứt tủy dẫn đến liệt. Đối với trường hợp này, cần khuân vác bệnh nhi trên mặt phẳng hoặc sơ cứu nẹp cố định để di chuyển.
Theo Công Lý