Trang chủ Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ngày 20-2, theo thống kê của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), từ thời điểm chính thức khai trương đến ngày 13-2-2020, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp trên hệ thống.
Hơn 50.000 tài khoản đã đăng ký với trên 11,4 triệu lượt truy cập.
Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (có địa chỉ trên mạng là dichvucong.gov.vn) đã chính thức khai trương.
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp do có thể tái sử dụng các thông tin đã có, tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Cổng Dịch vụ công Quốc gia là dấu ấn quan trọng trong chủ trương của Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2019 mức 4 tăng hơn hai lần (từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019).
Dịch vụ công trực tuyến của một số lĩnh vực có hiệu quả cao như các dịch vụ thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử), kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã), đăng ký kinh doanh (75% đăng ký doanh nghiệp qua mạng), lĩnh vực công thương (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mới đạt 10,76% như hiện nay là chưa cao. Nguyên nhân chính là do người đứng đầu các đơn vị, bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc triển khai dịch vụ công trực truyến.
Hướng đến mục tiêu năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 30%, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị.
Ngoài ra, hiện nay, tỷ lệ hồ sơ về thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức thấp, các bộ, ngành đạt trung bình 38,6%, các địa phương đạt trung bình 12,5%.
Nguyên nhân được xác định là do dịch vụ chưa thuận tiện cho người sử dụng truy cập. Đồng thời, người dân nhiều địa phương vẫn chưa có thói quen, kỹ năng sử dụng các thao tác trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Để cải thiện vấn đề này, trong thời gian tới, các đơn vị cần phát triển dịch vụ hỗ trợ khai, nộp hồ sơ trực tuyến; hướng dẫn đối tượng học sinh, sinh viên các kỹ năng để hỗ trợ phụ huynh thực hiện thủ tục trực tuyến tại nhà.
Bưu điện Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.
Theo NGỌC BÍCH (Vietnam+)