Đặc sắc chợ phiên rẻo cao

12/04/2024 - 08:24

 - Mờ sáng, chợ phiên Sủng Trái (xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nhóm họp rôm rả. Trong trang phục thổ cẩm, đồng bào xuống chợ giao lưu, gặp gỡ, mua bán, tạo nên bức tranh đa sắc trên vùng cao nguyên, làm say lòng người lữ thứ.

Khung cảnh chợ phiên

Rực rỡ sắc màu

Sáng tháng 4, trên cao nguyên đá Đồng Văn tiết trời se lạnh cộng với không gian yên bình, làm lòng người thổn thức. Rời huyện Mèo Vạc, chúng tôi xuôi về hướng Yên Ninh để kết thúc hành trình chinh phục đỉnh núi. Với độ cao hơn 1.500m, vực sâu thăm thẳm, đường sá khúc khuỷu như con rắn khổng lồ nằm uốn quanh sườn núi, khiến mọi người trên xe ngả nghiêng theo vô lăng của “bác tài”. Nếu ai “say xe” sẽ cảm thấy hụt hơi, choáng váng, khó chịu, nhiều lúc ráng chịu đựng nhưng vẫn phải nôn hết mọi thứ, vì “ăn” phải “đặc sản cua núi” trên cao nguyên. Trên đường tuột dốc, ngang qua bản làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bắt gặp những đứa trẻ dắt díu nhau đến trường “cùng đàn chim hò vang tiếng hát”. Cha mẹ chúng dắt trâu, bò lên nương cày ải đất đá chuẩn bị trồng trọt khi mưa xuống.

Xe vừa đổ dốc cua “cùi trỏ”, chúng tôi vô cùng hứng thú khi gặp đúng dịp chợ phiên Sủng Trái nhóm họp, với nhiều gam màu sặc sỡ của đồng bào DTTS Mông, Tày. Như đã lên lịch từ trước, chợ Sủng Trái nhóm họp ấn định ngày thứ ba hàng tuần. Dừng xe bên sườn đồi, chúng tôi có dịp tham quan một vòng chợ phiên. Bà con đồng bào nô nức xuống chợ giống như đi chơi hội. Họ huyên thuyên tiếng dân tộc, giống như người Kinh đi chợ gặp gỡ, hỏi thăm chuyện làm ăn, gia đình, chuyện học hành con cái vậy. Rảo một vòng chợ, chúng tôi bắt gặp những phụ nữ, cô gái Mông, Tày ăn mặc lộng lẫy để phô diễn nét đẹp trang phục thổ cẩm của dân tộc mình.

Trong chợ phiên, phụ nữ Mông, Tày còn tranh thủ lúc bán hàng để se lanh, nối lanh, may, thêu họa tiết bằng tay, tạo nên những chiếc váy xinh xắn, tinh tế. Những phụ nữ thích rề rà tại các sạp bày bán trang phục để lựa áo, váy, với nhiều họa tiết được bà con thêu thùa sau những ngày tỉ mẩn trên bản làng. Thấy bà con loay hoay lựa trang phục, chúng tôi bắt chuyện, chị Vàng Thị Nua (xã Sủng Trái) nói với giọng lơ lớ: “1 bộ từ 500.000 đến 1 triệu đồng”. Tôi hỏi sao giá cao dữ vậy? Chị Nua cười bẽn lẽn: “Vùng núi này thổ cẩm được làm rất công phu. Nguyên liệu được lấy từ cây rừng. Các hoa văn chủ yếu thêu tay nên rất bền và đẹp. Trang phục được may công nghiệp chỉ với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng”.

Chợ phiên độc đáo

Theo tuyến đường nhựa, chúng tôi rẻ trái leo lên đồi, bắt gặp hình ảnh 1 phụ nữ trạc 60 tuổi đang đeo sợi dây có quấn thứ gì màu đỏ cho 1 bé trai. Miệng bà không ngừng “khấn” tiếng Mông. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc nơi đây, khi đeo loại dây này vào người thì những đứa trẻ tránh được bệnh tật, mau lớn, trừ tà. Đây được xem là hủ tục lạc hậu của các thầy cúng còn sót lại trên cao nguyên đá. Tại đây, có nhiều người bày bán hạt giống, thuốc nam, thuốc bắc, các loại gia vị, sâm, nấm, linh chi, nấm ngọc cẩu… Những thứ thuốc đông, nam dược được bà con lên rừng hái, mang ra chợ phiên ngồi bán. Hàng hóa ở đây được đồng bào tự trồng hoặc cõng gùi lên núi săn tìm. Chợ hoạt động theo kiểu tự cung, tự cấp hàng hóa, ai có gì thì mang ra bán.

Tuy nhiên, các loại thuốc nam dược, đông dược có giá bán cao, mỗi ký từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng, mỗi củ sâm đất có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Hoa hồi, quế, mỗi ký hàng trăm ngàn đồng; da thú, xương thú 1 triệu đồng/kg. Đi dọc tuyến đường, chúng tôi còn bắt gặp nhiều đồng bào bán đồ rèn, như: Xoong, chảo, cuốc, leng. Nhiều chị mang chiếc gùi trên lưng bán hạt giống, như: Bắp, tam giác mạch, đậu phộng đỏ, đậu nành, mắc khén, quế, hoa hồi, mè, mía… Chợ phiên là nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào DTTS vùng cao. Chợ phiên là hoạt động buôn bán và là nơi kết tinh, hội tụ, giao lưu gặp gỡ giữa các đồng bào dân tộc Mông, Tày, Thái, Nùng…

Thông lệ, vào ngày thứ ba hàng tuần, đồng bào DTTS “diện” trang phục với nhiều gam màu sáng chói xuống chợ từ rất sớm. Phụ nữ theo chồng đi chợ mua sắm, còn đàn ông  “xà” vào khu ẩm thực, xúm xít bên nhau ăn bát phở, húp chén thắng cố. Mấy phụ nữ theo chồng húp tô phở heo đen, rồi nhâm nhi vài chum rượu đế nấu từ bắp, huyên thuyên chuyện nuôi heo, nuôi bò, rẫy nương.

Những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống gặp gỡ, chuyện trò, tạo nên nét độc đáo của phiên chợ trên cao nguyên đá nắng hồng gọi mây. Nhiều chị phụ nữ còn gùi phía sau con gà Mông hay dắt con heo ỉn đen (đồng bào gọi là heo cặp nách) trao đổi rôm rả. Mỗi sản phẩm đều là sự hòa quyện, kết tinh từ đôi bàn tay cần cù, siêng năng, chịu khó của đồng bào, tạo nên sản vật đặc trưng chỉ có ở miền núi Tây Bắc này.

Đứng bên đồi chợ Sủng Trái, các chị, các anh trao đổi, ngã giá những con heo đen nhỏ nhắn. Đây được xem là heo đặc sản ở vùng cao Tây Bắc. Mặc dù heo rất bé, nặng chỉ vài ba ký, nhưng có giá 1,5 triệu đồng/con. “Quanh năm, heo đen sống trên đồi đá, ăn cây, cỏ rừng. Do đó, thịt rất thơm ngon, bổ dưỡng. heo đen nuôi đạt đến 70kg có giá khoảng 20 triệu/con. Hiện nay, loại heo này, đồng bào làm thịt gác bếp, mang đặc sản cung cấp thị trường và phục vụ khách du lịch thưởng thức” - 1 chị dân tộc Mông cho hay. Để thưởng thức món heo đen nóng hổi vào buổi sáng trên cao nguyên, chúng tôi tấp vào 1 quán ven đồi. Mùi thơm phức bay ra từ nồi súp nóng hổi, làm chúng tôi khó cưỡng lại món đặc sản của đồng bào nơi đây.

Buổi sáng, hàng quán ẩm thực ở đây bày bán nhiều món ăn, như: Bánh tam giác mạch nướng, bánh bột chiên giòn, phở heo, thắng cố... Người lớn, trẻ em, nam thanh, nữ tú ngoài mua hàng hóa còn ghé lại dùng cái bánh nóng hổi hay ngồi húp xì xụp bên tô phở heo đen nóng nghi ngút khói. Chúng tôi kêu mỗi người 1 tô phở heo đen nóng hực, rồi thưởng thức. Thật tuyệt vời khi khẩu vị nơi đây nêm nếm rất vừa ăn. Nhưng đặc biệt, trong nồi súp luôn có gia vị của những cây, trái kết tinh từ núi đá, mây ngàn, hòa quyện với vị ngọt thịt heo đen, tạo nên một món ăn ngon khó tả.

Anh Tụa (chủ quán) khoe với chúng tôi, thịt lợn đen được đồng bào làm thịt từ sáng sớm nên còn tươi rói. Nồi nước súp gồm những gia vị được hái trên rừng, như: Mắc khén, hoa hồi, táo đỏ, tạo nên vị ngon ngọt đậm đà, níu chân thực khách. Thịt heo trên vùng cao không hổ danh là “đệ nhất” món ngon, bởi có độ dai ngon sần sật, ít mỡ, không ngậy như thịt heo nuôi ở đồng bằng.

Tuy trải nghiệm chợ phiên vùng cao trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng rất thú vị. Xe tiếp tục đổ đèo rời chợ Sủng Trái, rồi khuất dần bên vách núi, bỏ lại sau lưng mảnh đất cao nguyên với bao niềm nhớ.

HOÀNG MỸ