Đặc sắc Lễ Kỳ yên!

01/04/2022 - 06:47

 - Lễ Kỳ yên có nghĩa là cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình. Từ lâu, Lễ Kỳ yên được xem là phần không thể thiếu trong nét văn hóa của người Việt, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Giới thiệu Lễ Kỳ yên ở Nam Bộ xưa, sách Gia Định thành thông chí (mục Phong tục chí) của Trịnh Hoài Đức có đoạn: “Cúng Kỳ yên: Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết.

Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về...”. Ngày nay, Lễ Kỳ yên được tổ chức trong 3 ngày, gồm nhiều lễ tế. Tuy mỗi nơi có thể khác nhau về giờ giấc, nhưng thường thì vẫn được tiến hành với các lễ nghi không thể thiếu, như: Lễ Thỉnh sắc, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu, Hát chầu, Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền…

Thông thường, Lễ Kỳ yên được diễn ra vào tháng Giêng đến tháng 4 (âm lịch). Cũng có đình diễn ra Lễ Kỳ yên vào những tháng cuối năm âm lịch, tùy vào phong tục của mỗi địa phương. Nhưng đã nhắc đến lễ cầu an thì ai cũng biết rằng lễ sẽ diễn ra rất trang trọng. Dường như đã thành thói quen, cứ đến ngày lễ cầu an ở địa phương nào thì người ở địa phương đó tự khắc sẽ nhớ.

Vì tự nhớ nên mọi người tự sắp xếp thời gian đến đình dâng hoa, quả, trà rượu để bày tỏ lòng thành kính và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm tiếp theo. Không ít người đã cho rằng, Lễ Kỳ yên vui không thua gì ngày Tết. Bởi, cờ hoa được trang hoàng lộng lẫy từ đầu ngõ đến cuối xóm. Người chen chân nhau tấp nập để mong có mặt ở đình cúng bái.

Lễ Kỳ yên diễn ra trang trọng, được người dân mong đợi

“Đến ngày cúng đình, nhiều nhà trong xóm bày tiệc ăn mừng, hát hò, đờn ca tài tử. Khi chưa có dịch bệnh COVID-19, ngoài phần lễ hội đặc sắc trong đình, ngoài đình là những gánh hát lô tô vui nhộn hay xuất hiện nhiều trò chơi náo nhiệt, thu hút đông đảo bà con tham gia. 3 ngày cúng đình ở xóm tôi vì thế mà trở nên đông vui, mỗi năm đều được mong chờ!” - anh Minh Hải (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Quả thật, niềm mong chờ ngày diễn ra lễ cầu an của người dân địa phương là rất lớn. Bởi thế mà người nào cũng trang phục chỉnh tề, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, đời sống ấm no. Lễ Kỳ yên mang ý nghĩa: Tưởng nhớ một vị có công khai phá miền Nam Bộ và cầu mong một cuộc sống no đủ.

Cho nên, đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian đáng được bảo tồn, duy trì và tạo điều kiện phát triển. Thời gian diễn ra lễ hội, khung cảnh trong đình luôn nhộn nhịp, cờ hoa rực rỡ, người người tấp nập ra vào cúng lễ.


Ở một góc đình, những vở tuồng điển tích cổ, như: Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, tiết giao đoạn ngọc, Lưu Kim Đính, San hậu… luôn thu hút người xem, say mê thưởng thức. Nhiều đình còn tổ chức các trò chơi dân gian kéo dài suốt 3 ngày diễn ra Lễ Kỳ yên, như: Đẩy cây, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, múa lân, đua xuồng, ra câu hò, câu đối…

Đây còn là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, vui chơi từ đó thắt chặt tính cộng đồng. "Ăn theo" Lễ Kỳ yên là sự tham gia của các hàng quán, dịch vụ góp phần tạo nên không khí vui nhộn cho ngày lễ. Những địa phương diễn ra Lễ Kỳ yên gần như cả xóm cùng thức để vui hội. Tận dụng khoảng sân trống trước nhà, người thì bán bún nước lèo, hủ tiếu, người chiên bánh cống, bánh xèo, nấu nước sâm, ép nước mía và nhiều món ngon khác để bán cho người đi xem lễ hội, kiếm thêm chút thu nhập.

“Lúc nào đi lễ cầu an về, tôi cũng tay xách nách mang bao nhiêu đồ ăn thức uống. Cũng chỉ là mấy món bình dân thôi, mà sao ngon đến lạ. Đâu chỉ có người lớn, mấy đứa nhỏ cũng rất mừng khi được dẫn đi cúng đình. Vì ngoài được xem hát tuồng, tụi nhỏ còn được vui chơi, ăn uống thỏa sức mà không bị la rầy như ngày thường” - chị Nhóm (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) vui vẻ nói.

 Nghệ thuật hát bội diễn ra tại các đình vào ngày Lễ Kỳ yên

Ở huyện Thoại Sơn, Lễ cầu an ở đình Thoại Ngọc Hầu là một trong những lễ lớn nhất trong năm. Bởi ngày diễn ra Lễ Kỳ yên tại đình cũng là ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn, thu hút hàng ngàn người về đây để tỏ lòng tri ân đối với vị thần có công khai hoang mở cõi. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm phục vụ bà con nhân dân, không chỉ trong huyện mà còn ở khắp các nơi, đặc biệt là ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), nơi đã sinh ra người con ưu tú Thoại Ngọc Hầu. Lễ hội hoành tráng với chương trình sân khấu hóa tái hiện hình ảnh danh thần Thoại Ngọc Hầu nam tiến khai hoang mở cõi, đào kênh, dựng bia lập làng.

Theo đó, năm 2022, UBND huyện Thoại Sơn tổ chức hội thi giới thiệu và trưng bày sản phẩm, đặc trưng địa phương và trưng bày tư liệu cuộc đời thân thế danh thần Thoại Ngọc Hầu. Hội thi nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiềm năng thế mạnh của huyện, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách. Các sản phẩm trưng bày trong ngày hội là các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm OCOP: thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược và quà lưu niệm...

Với những ý nghĩa và giá trị văn hóa đặc sắc mang lại, Lễ Kỳ yên là một trong những nét đẹp văn hóa dân gian của địa phương rất đáng trân trọng và giữ gìn!

PHƯƠNG LAN