Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

18/05/2023 - 05:28

 - Sau Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nông, thủy sản. Đoàn kiểm tra kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhằm đem đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Quy trình sản xuất yến sào

Nâng cao ý thức chủ doanh nghiệp

Công ty TNHH Yến sào Việt Long (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) là DN đầu tiên mà đoàn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2023 tỉnh An Giang (thành lập theo Quyết định 322/QĐ-SNNPTNT, ngày 20/4/2023 của Giám đốc Sở NN&PTNT) chọn ra quân kiểm tra. Kết quả cho thấy, DN đảm bảo hồ sơ, giấy tờ cho việc truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần lưu ý, như: Sau khi kiểm nghiệm, hoàn thành hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, DN chưa thường xuyên gửi mẫu kiểm nghiệm để giám sát chất lượng sản phẩm (định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần); nhãn hàng hóa chưa ghi đầy đủ thông tin về thành phần, tiêu chuẩn theo hồ sơ tự công bố…

Đây là những vấn đề đã được Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp (Trưởng đoàn kiểm tra) nhắc nhở, hướng dẫn DN cần thực hiện, nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật; công khai, minh bạch thông tin để người tiêu dùng giám sát. Đoàn lấy mẫu yến sào thành phẩm của DN để kiểm nghiệm thành phần kim loại nặng, cũng là cách giúp DN giám sát được chất lượng sản phẩm của mình.

Ở ấp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), Công ty TNHH SX-TM Thực phẩm Phúc Minh có quy mô sản xuất khá lớn. Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu thủy sản, DN chuyên chế biến, kinh doanh chả hấp, cá viên, chả hương tôm viên, chả hương bò viên và chả chiên. Ông Lê Quốc Chiến (Giám đốc công ty) cho biết, ngoài hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu với vùng nuôi thủy sản trong khu vực, công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương.

Ghi nhận nỗ lực sản xuất - kinh doanh của DN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Trần Thanh Hiệp lưu ý, nhắc nhở công ty cần thực hiện hợp đồng chặt chẽ với đơn vị cung cấp nguyên liệu, quy định rõ trách nhiệm về chất lượng nguyên liệu đầu vào; tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động nơi sản xuất; kiểm tra kỹ thành phần, định lượng phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, giám sát sản phẩm thường xuyên nhằm tránh vượt mức quy định… Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm thành phần, chỉ số.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trong kế hoạch thực hiện đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký ban hành, tỉnh đặc biệt quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát. Mục tiêu nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên địa bàn, kịp thời cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đến người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm, như: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…

Các ngành chuyên môn triển khai thực hiện lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm theo Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT, ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT trên diện rộng đối với sản phẩm có rủi ro, nguy cơ cao, tập trung giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, thực phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, sản phẩm trong chương trình xây dựng thương hiệu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cơ sở tập kết hàng hóa nông sản, điểm trung chuyển sản phẩm nông, thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý vi phạm theo quy định phân công, phân cấp.

An Giang tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế; cân đối bố trí thêm ngân sách địa phương hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi DN sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng) sơ chế, chế biến thực phẩm theo mô hình liên kết chuỗi sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

NGÔ CHUẨN