Đảm bảo chính sách xã hội là bản chất ưu việt của chế độ ta

13/10/2023 - 06:42

Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã nhất trí ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong đó, có nhiều nội dung kế thừa, đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI).

Tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm có hoàn cảnh khó khăn 

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) thống nhất nhận định, trong 10 năm qua, đất nước đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ: Kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển ổn định, hài hòa hơn. Đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân được nâng lên. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. 

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết lần này xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội để hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Nghị quyết này mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng chất chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị lần này bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới, khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội…

Mặc dù chúng ta rất nỗ lực chăm lo, nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng thực hiện những âm mưu, thủ đoạn, “chỉa mũi dùi” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; phủ nhận những thành quả và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Các đối tượng rêu rao rằng “bức tranh kinh tế trong nước rất ảm đạm”, “đời sống người dân Việt Nam nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, NLĐ thì cạn tiền, mất việc”... Từ đó quy chụp, cho rằng đây là “hệ lụy” của công tác lựa chọn, quản lý cán bộ yếu kém, do chế độ XHCN, Nhà nước không đủ nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội…

Đảng và Nhà nước luôn xác định, chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như đại dịch COVID-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, tích cực ở Việt Nam: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường… Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công...

Mặc dù rất khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, 9 tháng của năm 2023, tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi; GDP tăng 4,24%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của cả nước đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp và NLĐ gặp nhiều khó khăn, các lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn được quan tâm đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của NLĐ tăng 6,8% so cùng kỳ; đã triển khai kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ, người dân gặp khó khăn. Công tác thanh, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trung ương xác định, những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 - năm “bản lề” đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách. Ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời có những quyết sách phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII.

H.N