Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường

09/02/2022 - 19:55

 - Thích nghi với trạng thái bình thường mới, Tết Nguyên đán 2022 nhu cầu đi lại của người dân rất cao, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đột biến. Nguồn cung khan hiếm, đã khiến một số cửa hàng xăng dầu (CHXD) của hệ thống đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh An Giang đóng cửa hoặc chỉ mở cửa bán hàng cầm chừng…

Petrolimex An Giang đảm bảo nguồn cung theo hợp đồng cho các đại lý để duy trì hoạt động

Lý giải nguyên nhân này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang Hồng Phong  (Petrolimex An Giang) cho biết: “Trong cơ cấu nguồn xăng dầu thị trường nội địa có đến 70% từ nguồn của 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, còn lại 30% từ nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán 2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động, tạo nên tình trạng thiếu nguồn xăng dầu cung trong nước. Để khắc phục tình trạng này, các đầu mối phải nhập khẩu từ nước ngoài…, nhưng vẫn đứt nguồn cục bộ ở một số đầu mối và đại lý”.

“Nếu như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không cải thiện công suất hoạt động thì trong ngắn hạn sẽ khó khăn về nguồn cung. Không những trên địa bàn An Giang mà phạm vi cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu đi lại của người dân cũng sẽ gặp khó khăn nhất định, khi các cửa hàng xăng dầu có yếu tố đóng cửa”- ông Phong nói.

Petrolimex An Giang nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Ông Phong cho biết:  "Petrolimex An Giang hiện có hệ thống phân phối, với 50 CHXD trực thuộc và 37 đại lý nhượng quyền thương mại. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung theo hợp đồng cho các đại lý để duy trì hoạt động. Công ty khuyến cáo các đại lý phải bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không bán vào can, phuy, bán cho đối tượng mua đi, bán lại để đầu cơ, bởi như thế  không đảm bảo nguồn để các đại lý phục vụ người tiêu dùng.

Thông tin có 1-2 đại lý thuộc hệ thống thông tin công ty cung cấp không đủ hàng dẫn đến đại lý đóng cửa là không chính xác. Petrolimex An Giang đã và đang nỗ lực đảm bảo duy trì hoạt động xuyên suốt phục vụ tốt nhu cầu sản xuất tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn An Giang…”.

Trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại của người dân rất cao, do đã thích nghi với trạng thái bình thường mới, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao, đột biến

Không có hiện tượng găm hàng

Về việc có hay không tình trạng găm hàng, ông Phong lý giải: “Căn cứ tình hình giá cơ sở và giá bán lẻ, tôi cho rằng không có yếu tố găm hàng, bởi các đầu mối không đủ hàng để cung ứng, thì làm gì có hàng để găm. Ngoài ra, lợi nhuận có được từ tồn kho, xăng dầu bán ra không đảm bảo bù đắp mức phạt vi phạm hành chính nếu bị phát hiện có yếu tố găm hàng, cố ý đóng cửa. “Theo tôi, tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của hệ thống cửa hàng xăng dầu đại lý trên địa bàn An Giang thực hiện tương đối tốt”, ông Phong nói.

Theo Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu, nhất là hệ thống doanh nghiệp tư nhân tạm ngưng phục vụ là có, nhưng không nhiều. Nguyên nhân do các thương nhân phân phối  gặp khó trong việc mua xăng dầu từ các đầu mối. Trong đó,  có yếu tố thương nhân phân phối không có ký hợp đồng bao tiêu xăng dầu với các đầu mối, nên khi có biến động khó tiếp cận mua hàng.

Ngoài ra, mức chiết khấu của các đầu mối hiện nay cao nhất chỉ 50 đồng (có khi 0 đồng) không đủ chi phí vận chuyển từ kho đến các CHXD. “Các thương nhân phân phối vẫn chấp nhận mua hàng, nhưng đầu mối không có xăng dầu để bán hoặc bán số lượng hạn chế. Điển hình như trường hợp Công ty Ressol tại TP. Cần Thơ đã có văn bản đến Sở Công thương An Giang thông báo không thể mua được hàng để cung cấp cho các CHXD, đề nghị được bán hết xăng dầu tại cửa hàng và tạm dừng kinh doanh cho đến khi có nguồn hàng…”, ông Hùng thông tin.

Theo Bộ Công thương, giữa tháng 2-2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Trước Tết, nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2-2022, đã nâng công suất lên 105%.

Trong 6 tháng trở lên, nếu không có sản lượng xăng dầu nhập vào doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép

Để bảo đảm nguồn cung, duy trì liên tục việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu diễn biến phức tạp và đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, chiều 9-2, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu phải xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, lấy sản lượng bình quân của năm 2019 cộng thêm 25-30% nhu cầu tăng thêm do phục hồi kinh tế. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải ký cam kết chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương.

Quang cảnh cuộc họp khẩn với các tỉnh, thành phố trong cả nước cuộc họp khẩn bàn các giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu tại đầu cầu An Giang

Cùng với đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia cần khẩn trương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu nâng cao năng lực, công suất các nhà máy lọc hóa dầu để đảm bảo nguồn cung. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn cổ phần nhà nước chi phối phải thể hiện vai trò sứ mệnh, chủ động có phương án nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung không thiếu, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều hành linh hoạt giá xăng dầu trong nước phù hợp giá bán xăng dầu thế giới, bảo đảm nguồn cung cho các đại lý bán lẻ xăng dầu...

Đối với các địa phương, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm  theo tinh thần Công điện 517/CĐ-BCT của Bộ Công thương. Kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Đặc biệt, tiến hành rút giấy phép cơ sở kinh doanh xăng dầu nếu 6 tháng trở lên không có sản lượng xăng dầu nhập vào...

Bộ Công thương cho biết, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại khoảng 25% là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn chiếm trên 90% thị phần. Hiện, bộ đã có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu, như: quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU