Đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trước biến động giá thế giới

02/11/2023 - 08:42

Petrolimex đã chuẩn bị đủ hàng hết tháng 11 với nguồn cung từ nhập khẩu và hai nhà máy lọc dầu trong nước, trong khi PVOIL cũng đủ lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường đến hết tháng 12.

Khách hàng mua xăng tại cửa hàng của PVOIL tại Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trước biến động khó lường của giá dầu thô thế giới kéo theo sự biến động của giá xăng dầu thành phẩm, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu lớn tại Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn.

Petrolimex và PVOIL đảm bảo kế hoạch tạo nguồn

Là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) luôn có kế hoạch đảm bảo nguồn từ sớm thông qua các hợp đồng nhập khẩu.

Theo đại diện Petrolimex, các hợp đồng này đều quy định rõ thời gian giao xăng dầu và khối lượng sản phẩm xăng dầu cụ thể cụ thể.

Vì vậy, nếu giá dầu thô thế giới tăng cao sẽ chỉ ảnh hưởng đến giá sản phẩm, còn không ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xăng dầu thành phẩm của Petrolimex.

Tại thời điểm này, Petrolimex đã chuẩn bị đủ hàng hết tháng 11 với nguồn cung từ nhập khẩu và nguồn cung trong nước từ hai nhà máy lọc dầu là Lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Nhà máy Lọc  dầu Nghi Sơn của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).

Đại diện Petrolimex cũng cho biết Tập đoàn đã đảm bảo được 65% đơn hàng dự kiến cho tháng 12 tới và tiếp tục tìm kiếm và bổ sung lượng hàng còn thiếu trong đầu tháng 11 này.

Tương tự như vậy, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch Tổng Công ty Dầu Việt Nam-CTCP (PVOIL, mã chứng khoán OIL) cho biết hiện nay PVOIL đã đủ lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường đến hết tháng 12, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 400.000 tấn xăng dầu/tháng.

Hiện việc cung ứng xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn ổn định, đảm bảo cả về khối lượng và thời gian giao hàng.

Về việc đảm bảo nguồn cho quý 1/2024, ngay từ thời điểm này Petrolimex đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tạo nguồn 2024.

Dự kiến trong tháng 12/2023, Petrolimex sẽ hoàn thành việc đàm phán hợp đồng dài hạn 2024 với các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài, đảm bảo một phần hàng cho cả năm 2024, đại diện Petrolimex cho biết.

Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cũng cho biết PVOIL đang chuẩn bị đàm phán với BSR và NSRP hợp đồng cung ứng sản phẩm xăng dầu cho cả năm 2024.

Việc đàm phán này thông thường sẽ “chốt” sản lượng và giá bán dự kiến nên biến động giá bán sản phẩm xăng dầu trên thế giới nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, do nguồn cung xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu ở trong nước hiện mới đáp ứng trên 70% nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam nên PVOIL cũng chuẩn bị đàm phán hợp đồng nhập khẩu xăng dầu với đối tác nước ngoài.

Do PVOIL thường xuyên mua với sản lượng lớn, có khả năng thanh toán cũng như có uy tín với bạn hàng nên luôn được nhà cung cấp nước ngoài “ưu tiên” đáp ứng cao nhất sản lượng mua.

Vì vậy, với biến động giá dầu thế giới như hiện nay, PVOIL vẫn đảm bảo đủ nguồn cung ứng ra thị trường, ông Dương nhấn mạnh.

Hai nhà máy lọc dầu đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào

Với vai trò đảm bảo khoảng 30% nguồn cung xăng dầu cho thị trường Việt Nam, trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động khó lường, BSR tiếp tục bám sát dự báo giá dầu mỏ thế giới, cung cầu thị trường trong nước để xây dựng các kịch bản kinh doanh và có giải pháp ứng phó phù hợp.

Bên cạnh đó, BSR tiếp tục thực hiện đa dạng nguồn nguyên liệu, tiêu thụ tối đa dầu thô trong nước nhằm tăng lợi ích của chuỗi liên kết trong ngành.

BSR cũng tập trung vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả để cung ứng ổn định sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tài Việt Nam.

Để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu dài hạn cho sản xuất, ngày 16/10. Vừa qua, BSR, PVOIL và chủ dầu mỏ Tê Giác Trắng đã ký Hợp đồng khung mua dầu thô Tê Giác Trắng giai đoạn 2024-2026.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cam kết cung ứng ổn định sản phẩm xăng dầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương, nhiều năm qua, BSR đã mua tổng số lượng dầu thô mỏ Tê Giác Trắng là hơn 75 triệu thùng dầu (tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô), chiếm gần 10% số lượng dầu thô đã chế biến tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Về phía mỏ Tê Giác Trắng, BSR mua chiếm tổng khối lượng là 60% sản lượng mỏ Tê Giác Trắng.

Về phía Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ ngày 11/10 vừa qua, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và xuất bán sản phẩm xăng dầu ra thị trường từ ngày 12/10.

Theo NSRP, Trong bối cảnh nguồn cung dầu thô toàn cầu bị thắt chặt, NSRP tiếp tục phối hợp với Công ty Dầu khí Kuwait (KPC) để đảm bảo Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đủ nguồn cung dầu thô cho kế hoạch sản xuất.

Về lâu dài, theo chuyên gia cao cấp Đoàn Tiến Quyết (Viện Dầu khí Việt Nam), Việt Nam cần triển khai chiến lược dự trữ dầu mỏ quốc gia để có thể ứng phó hiệu quả trước biến động khó lường của giá dầu thế giới như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến để tối ưu các kho xăng dầu để vận chuyển cung ứng xăng dầu giữa các vùng miền hiệu quả hơn, tránh hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ trong bối cảnh biến động giá xăng dầu và sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới như hiện nay.

Theo TTXVN