Đảm bảo phòng, chống dịch ở góc độ đại biểu HĐND tỉnh An Giang

30/11/2021 - 07:38

 - Trong kỳ họp cuối năm 2021 HĐND tỉnh An Giang, nhiều nội dung quan trọng được đặt ra để thảo luận, xem xét. Vấn đề nổi lên hàng đầu, thu hút sự quan tâm của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu HĐND tỉnh là công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội tỉnh nhà sau đại dịch. Trước thềm kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh có nhiều ý kiến chia sẻ ở cương vị công tác của bản thân liên quan đến nội dung này.

Nhiều hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp

Theo đại biểu Châu Văn Ly (Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang), đến giữa tháng 11-2021, có 288.120 lao động, 1.635 doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, số tiền 270 tỷ đồng (đạt 76,6%). Các hỗ trợ thuộc 3 nhóm chính, gồm: Giảm, hoãn đóng bảo hiểm, hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm dừng, nghỉ việc không hưởng lương, người làm nghệ thuật; hỗ trợ phục hồi sản xuất và hỗ trợ lao động tự do.

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ đã kịp thời chia sẻ khó khăn của NLĐ và người sử dụng lao động, tạo động lực để họ tiếp tục duy trì, khôi phục sản xuất; góp phần đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các thủ tục thực hiện chính sách được đơn giản hóa rất nhiều so trước đây. Đồng thời, sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, giúp chính sách nhanh chóng đi vào thực tế, hỗ trợ người dân, DN đúng quy định.

Từ các vướng mắc, khó khăn đã trải qua, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất - kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP. Ngành chuyên môn khảo sát, nắm thông tin về nhu cầu việc làm của NLĐ và DN, tăng cường kết nối trực tiếp với DN; tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành phố (nhất là các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm phía Nam) nhằm hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực để DN khôi phục sản xuất - kinh doanh. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với các tỉnh ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp NLĐ, DN kết nối nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động. Ngoài ra, phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đạt tiến độ bao phủ vaccine phòng COVID-19

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) thông tin, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, An Giang là một trong những tỉnh có số ca mắc ít, được Chính phủ đánh giá khá an toàn. Nhưng đến ngày 1-10, người dân từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai bắt đầu có sự di dân về An Giang (tỉnh đã đón 80.000 người). Do đó, tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh, trong khi thời điểm này An Giang có dưới 30% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1, khoảng 6-7% được tiêm mũi 2.

Sau khi An Giang đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế, tỉnh được tiếp nhận vaccine số lượng lớn, nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm đạt tiến độ đề ra. Hiện nay, tỉnh có trên 95% dân số được tiêm mũi 1 (dân số tính theo số liệu của Cục Thống kê), số lượng còn lại là người dân đi nơi khác làm ăn, chưa trở về địa phương (nhưng đã được tiêm ngừa ở nơi tạm trú). Thực tế, An Giang đã có 100% người dân được tiêm mũi 1, tiến độ tiêm mũi 2 đạt gần 80%; cuối tháng 11-2021, dự kiến bao phủ 100% dân số.

Đồng thời, đến hết tháng 11 này, tỉnh tiêm vaccine mũi 1 cho toàn bộ trẻ từ 12 - 17 tuổi. Ngay sau đó, tỉnh tiếp tục đề xuất để có lượng vaccine tiêm mũi 2, giúp học sinh đủ điều kiện trở lại trường. Khi có chương trình tiêm vaccine cho các nhóm trẻ còn lại, An Giang sẽ tiếp tục đề xuất số lượng cần thiết. Chính vì thế, bà con cử tri yên tâm về vấn đề bao phủ vaccine. Chúng ta không thiếu vaccine, sẽ cố gắng tiêm đầy đủ cho mọi đối tượng, tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Đảm bảo an sinh xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Lan (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn) cho biết, toàn huyện có gần 38.500 đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (chiếm gần 33% tổng dân số của huyện). Địa phương có số lượng người dân đi làm ăn xa trở về quê rất lớn (gần 10.000 người), qua sàng lọc có 212 người bị nhiễm COVID-19. Vừa qua, huyện vận động bằng nhiều hình thức hỗ trợ an sinh xã hội để chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với hơn 43.000 phần quà, tiền, nhu yếu phẩm trị giá 10,7 tỷ đồng; tiếp nhận và cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia 412 tấn cho 27.515 nhân khẩu.

Đồng thời, bằng mọi nguồn lực, huyện đã cấp hỗ trợ cho 10.949 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và người bán vé số với tổng số tiền 16,4 tỷ đồng. NLĐ từ các tỉnh, thành phố trở về quê được nhận 7.736 phần quà với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; 1.340 NLĐ được hỗ trợ kinh phí, phương tiện trở lại làm việc ở các tỉnh, thành phố…

Với vai trò đại biểu HĐND tỉnh An Giang, Thường trực HĐND huyện, đồng thời là Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tri Tôn, bà Nguyễn Thị Phương Lan tham mưu nhiều hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là nắm bắt nguyện vọng của cử tri trên địa bàn. Đa số ủng hộ, đồng thuận các chủ trương, chính sách của địa phương và tỉnh, mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế, nhất là trạm y tế xã ở những địa bàn khó khăn; có nhiều giải pháp hiệu quả sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục kinh tế, tạo việc làm cho NLĐ, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

GIA KHÁNH