Đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở

14/02/2020 - 07:29

 - Trước tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cùng các sở, ngành đã khảo sát thực tế tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, đánh giá tình hình sạt lở, tìm ra các giải pháp khắc phục một cách căn cơ, lâu dài. Trong đó, việc đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở là một trong những ưu tiên hàng đầu…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Hùng Dũng cho biết, sở đã tiến hành khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, tính toán và phân tích số liệu nội nghiệp tổng chiều dài 169.330m đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn...

Kết quả, có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm. Số đoạn cảnh báo không tăng, không thay đổi về vị trí so với quan trắc trước nhưng có xu hướng tăng về chiều dài và gia tăng về mức độ nguy hiểm; xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ bình thường.

Nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá chủ yếu là do: diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...).

Tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy.

Ngoài ra, dân cư phát triển nhanh, việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Điểm sạt lở ở xã Bình Mỹ (Châu Phú)

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, xu thế thời tiết, thủy văn năm 2020 khu vực Nam Bộ và tỉnh An Giang tiếp tục có những diễn biến bất thường, như: lượng nước từ thượng nguồn về thấp, lượng mưa thay đổi bất thường, có khả năng xuất hiện mưa lớn kéo dài, trong mưa có giông mạnh kèm tố, lốc và gió giật do hoạt động của rãnh áp thấp xích đạo, vùng biển Nam Biển Đông, cùng với nhiệt độ trong thời gian tới tăng cao (phổ biến từ 35-370C) và mực nước trên các sông và nước ngầm chênh lệch cao...

Với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như vậy nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo là rất cao (nhất là các đoạn sông được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm).

Do đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân, thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực, đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi xung yếu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ xử lý cấp bách sạt lở thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn phải đồng bộ, có định hướng lâu dài, để ổn định cuộc sống của người dân và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc các đoạn sông xảy ra sạt lở, tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở.

Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư các cụm, tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Rà soát, nghiên cứu các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư các nguồn vốn từ xã hội hóa, để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, cần chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế sạt lở, nhằm sớm ổn định đời sống người dân ở khu vực sạt lở…

Năm 2019, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 46 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 3.470m, ảnh hưởng đến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn (trong đó có 4 căn nhà sụp hoàn toàn và 1 căn bị sụp một phần xuống sông). Ước thiệt hại về đất khoảng 32,68 tỷ đồng.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU