Đậm đà vị cá linh non

01/09/2023 - 06:14

 - Những ngày này, dạo quanh chợ quê ở An Giang, đã bắt đầu thấy cá linh non được bày bán. Món ngon dân dã đầu mùa lũ này bao giờ cũng khiến người ta phải nhớ, bởi hương vị đậm đà qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị trong gian bếp.

Theo con nước phù sa, cá linh non góp mặt ở chợ quê buổi sớm. Nói là chợ sớm, bởi người ta phải tranh thủ gom cá để vào túi, chạy máy ô-xy trong quá trình di chuyển đi các chợ khi đất trời còn tranh tối, tranh sáng.

Cá linh non là đặc sản mùa lũ, ngặt nỗi dễ chết khi mất ô-xy, nên phải bảo quản bằng cách đó. Chỉ mới đầu mùa khai thác, nên sản lượng cá chưa nhiều. Mức giá vì thế cũng khá cao: Cá chưa làm sẵn 150.000 - 200.000 đồng/kg, tùy cự ly di chuyển. Cá đã làm sẵn, giá có thể nằm ở ngưỡng 300.000 - 350.000 đồng/kg.

Cả đời gắn bó cùng gian bếp, mẹ tôi đi qua nhiều mùa cá linh non. Trong trí nhớ của mẹ, cá linh non cứ như “trời sinh”, chẳng biết cá mẹ đẻ trứng khi nào, nhưng con nước tháng 6 âm lịch vừa chuyển màu phù sa, cá linh non đã có mặt ở chợ.

“Hồi trước, người ta đổ dớn dính cá linh non nhiều lắm. Đâu có ai bán ký, họ tính bằng giạ. Thường chỉ ăn một mớ, phần lớn đổ lu ủ mắm. Cứ tới mùa nước, nhà nào cũng ủ sẵn 5 - 7 hũ mắm, có nhà vài chục hũ ăn quanh năm. Trong số các loại nước mắm đồng, nước mắm cá linh là nhứt xứ!” - mẹ nhớ lại.

Về chế biến, cá linh non có thể chiên bột ăn kèm rau sống, nấu canh chua, kho ớt hay nhúng giấm. Từ khi cá linh non trở thành đặc sản, người ta chế biến thêm món lẩu. Về cơ bản, lẩu cá linh vẫn có vị chua, nhưng biến tấu cho hợp khẩu vị của thực khách ở vùng, miền khác nhau.

Là loại đặc sản tự nhiên, mỗi năm chỉ có 1 mùa, nên cá linh non giữ vị trí đặc biệt đối với thực khách phương xa, khi đặt chân tới An Giang. Với người sành ăn, cá linh dù chế biến theo kiểu nào vẫn có mùi thơm, vị ngọt của cá đồng được kết tinh từ phù sa châu thổ.

Trong ký ức của tôi, cá linh non hầu như đi suốt thời thơ ấu, cái thời cả nhà chạy ăn từng bữa. Đi học về đói meo, ngó thấy chảo cá linh kho ớt, cứ như bắt được vàng! Con cá linh được kho qua 2 lửa, nằm uốn cong trong chảo, ăn với cơm nguội thì không gì bằng.

Những ngày sau đó, mẹ bắt đầu cho ăn “cá linh bảy món” khiến cho tôi có phần ngán ngẩm. Ngày còn nhỏ, ăn một loại riết cũng ngán, nhưng tìm ở chợ đâu có gì “rẻ như cá linh”, nên anh em tôi cứ thong dong thưởng thức cá linh qua mùa nước.

Bây giờ, cuộc sống tiện nghi hơn, lắm lúc muốn ngồi ăn chảo cá linh kho ớt, tìm lại vị mặn mòi xưa cũ thì đã thành xa xỉ. Mùa cá linh non vẫn về, nhưng ngày càng khan hiếm. Từ chỗ mua bán bằng giạ, người ta chuyển sang tính ký. Cá linh non từ món ăn dân dã vào nhà hàng sang trọng, phục vụ du khách gần xa. Có lần, mấy anh bạn tỉnh Nghệ An cứ nằng nặc đi tìm cho được con cá linh non, bởi từ lâu họ nghe danh loại đặc sản này. Tuy nhiên, bạn đến những tháng mùa khô, tôi đành hẹn lần sau.

Mùa lũ năm nay diễn biến có phần khó đoán, nên mùa cá linh non về muộn so cái “lệ” hàng năm. Hôm mẹ tôi mua được mớ cá linh non làm cơm cho gia đình, con cá linh chỉ hơi to hơn đầu đũa ăn một chút. Với kích cỡ này, bạn hàng ở chợ rất khó bán, mà các bà nội trợ không có thời gian ngồi tỉ mẩn làm từng con cá. Dân câu lưới, khá nôn nóng với mùa cá linh non, nhưng ngoài đổ dớn, chưa có ngư cụ nào bắt được loại này.

“Kéo vó hổm nay chưa dính được con cá linh nào, bởi chúng còn nhỏ, lọt kẽ lưới hết. Muốn dính cá linh, chắc đợi hết tháng 7 (âm lịch), khi chúng lớn cỡ ngón tay út. Ngặt cái, khi đó ăn hơi xảm, nhưng cũng còn ngon lắm. Chú em thư thả tới tháng 8, 9 khi nước phân đồng thì ghé thăm tui, tới đó cá linh ăn mệt nghỉ!” - ông Tư Trạng (dân kéo vó trên kênh Tha La) xởi lởi.

Cũng sống nhờ nghề bà cậu, anh Nguyễn Văn Triết (xã Phú Bình, huyện Phú Tân) đang vào mùa khai thác cá linh non. Anh Triết cho hay: “Hổm nay, mỗi bữa dính chừng vài ký cá linh non thôi, gom 2 - 3 ngày tôi mới cân một lần. Bạn hàng thu của tui 150.000 đồng/kg, không biết họ bán ra chợ giá bao nhiêu. Năm trước, tháng này cá đỡ rồi, không hiếm như năm nay. Đâu chỉ có cá linh, bây giờ loại nào cũng hiếm, nên dân câu lưới từ từ bỏ nghề, kiếm kế khác mưu sinh”.

Hôm ngồi ăn cơm với con cá linh đầu mùa, tôi như tìm lại được vị mặn mòi ngày thơ bé. Quả thật, mùa cá linh dù đã dần khan hiếm, nhưng vị ngon của loại đặc sản này vẫn cứ chân chất, đậm đà như nơi chúng sinh ra. Có thể, thời gian sẽ đổi thay mọi thứ, nhưng ký ức về mùa cá linh non vẫn còn đâu đó trong tâm trí mỗi người, như một góc ngọt ngào của sông nước miền Tây.

THANH TIẾN