Dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm An Giang

02/05/2019 - 08:03

 - Tiếp nối thành công xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tiếp tục triển khai thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn, nhận diện sản phẩm An Giang.

Sở Công thương cho biết, đến nay, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự tham gia tích cực từ 8 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất, do Sở Công thương quản lý và vận hành. Đó là: Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam (TP. Long Xuyên) tham gia dán tem truy xuất cho 3 sản phẩm có chứng nhận VietGAP: dưa lưới, cà chua bi, ổi; hộ sản xuất Nông trại Ếch Ộp (trồng rau hữu cơ) ở TP. Long Xuyên tham gia dán tem truy xuất cho 4 sản phẩm có chứng nhận an toàn: cải ngồng, cải thìa khổ qua, dưa leo; Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc) tham gia dán tem truy xuất cho 3 sản phẩm có chứng nhận an toàn: dưa lê, dưa lưới, cà chua bi; Công ty TNHH MTV TM-DV Nhật Trường (trồng rau thủy canh) ở huyện Thoại Sơn tham gia dán tem truy xuất cho 4 sản phẩm có chứng nhận VietGAP như: xà lách lolo xanh, xà lách mỡ, rau muống, cải thảo; HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) tham gia dán tem truy xuất cho 2 sản phẩm xoài (xoài 3 màu, xoài Úc) có chứng nhận VietGAP; Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc (Siêu thị Tứ Sơn) tham gia dán tem truy xuất cho 4 sản phẩm rau có chứng nhận an toàn: dưa leo Nhật, cà chua, mồng tơi, cải xanh đuôi phụng; Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân (Chợ Mới) tham gia dán tem 1 sản phẩm xoài 3 màu; Hợp tác xã nông sản an toàn Kiến An (Chợ Mới) tham gia truy xuất 3 sản phẩm: ngò gai, hẹ lá, rau ngót.

Sản phẩm An Giang có dán tem truy xuất nguồn gốc trưng bày tại hội nghị kết nối giao thương Việt Nam-Trung Quốc được nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế quan tâm

Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Phan Lợi cho biết: “Đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ hơn 500 tem, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc cho 4 sản phẩm: dưa lưới, cà chua bi, ổi (Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam); xoài 3 màu (Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân); xoài Úc và xoài 3 màu (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi)”.

Chợ Mới có diện tích trồng xoài khá lớn, trong đó xoài 3 màu của Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân đã được Sở Công thương hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh siết chặt xuất tiểu ngạch, chú trọng chất lượng thì việc sản xuất an toàn là hết sức cần thiết. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao thông tin: “Đầu tháng 5-2018, lô hàng xoài 3 màu ăn tươi đầu tiên của Hợp tác xã GAP Bình Phước Xuân đã được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre) xuất khẩu thành công sang Úc. Mới đây, với sự kết nối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, UBND huyện Chợ Mới và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã ký kết ghi nhớ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu xoài 3 màu, tập trung vào diện tích đạt chuẩn VietGAP. Công ty hợp tác với Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới đặt hàng sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cam kết tiêu thụ xoài 3 màu cao hơn giá thị trường 3.000-5.000 đồng/kg”.

Tại TP. Long Xuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại-Dịch vụ Phan Nam Huỳnh Thị Mỹ Chi cho biết: “Hiện, nông trại Phan Nam có 2 nhà màng trồng cà chua bi, 3 nhà màng trồng dưa lưới, 5.000m2 trồng ổi Nữ Hoàng cung cấp cho khách hàng đến nông trại và chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của công ty. Ba sản phẩm chủ lực của Farm là cà chua bi, dưa lưới và ổi được cấp thương hiệu và giấy chứng nhận VietGAP, được hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp tăng giá trị sản phẩm”.

Qua thời gian sử dụng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả do Sở Công thương An Giang vận hành đánh giá rất cao vì đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản an toàn, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Việc truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả còn giúp người dùng có cơ hội sử dụng các thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh mua phải hàng giả kém chất lượng, kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm.

Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Thực tế cho thấy, dán tem truy xuất nguồn gốc mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Nhà nước hỗ trợ tem truy xuất miễn phí.

“Thời gian tới, Sở Công thương đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm rà soát, giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã có chứng nhận an toàn, VietGAP... đăng ký tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả.. Đầu mối tiếp nhận thông tin đăng ký tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả là Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương)” - ông Phan Lợi kêu gọi.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU