Dân vận khéo, Thoại Sơn đổi mới

13/11/2024 - 07:00

 - Cuối tháng 10, huyện Thoại Sơn liên tiếp đón 2 đoàn công tác huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao. Những mô hình dân vận khéo xây dựng NTM nâng cao được các đoàn công tác mong muốn huyện Thoại Sơn chia sẻ nhiều nhất.

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm nhấn mạnh, sự thông suốt, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là “sợi chỉ đỏ” quyết định thành công trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Nổi bật là mô hình trong lĩnh vực giao thông. Huyện đã xây dựng, mở rộng mới 11 tuyến đường đến trung tâm xã từ 3,5m lên 7,5m (trong đó nhựa 5,5m), dài 43km. Đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa 31 tuyến (118km), đạt tỷ lệ 100%. Mặt bằng mở rộng được Nhân dân hiến đất toàn bộ, không phải bồi hoàn. Cùng với đó, đội thi công cầu thiện nguyện ở các xã xây dựng 42 cây cầu (thay thế cầu gỗ, sắt bằng cầu bê-tông kiên cố), kinh phí vận động xã hội hóa. Nhân dân và lực lượng cán bộ, công nhân viên chức tham gia ngày công.

"Dân vận khéo" là yếu tố quyết định đến thành công của việc xây dựng nông thôn mới

Trong 5 năm (2020 - 2025), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Bình Thành vận động xây dựng 5 cây cầu giao thông nông thôn bằng hình thức xã hội hóa, tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Cụ thể, cầu 600 (kênh C, ấp Tây Huề) xây dựng năm 2021, kinh phí 522 triệu đồng. Trên kênh Xã Diễu (ấp Bình Thành), cầu 1.200 xây dựng năm 2022, kinh phí 456 triệu đồng; cầu 2.400 xây dựng năm 2023, kinh phí 511 triệu đồng; cầu Lô II xây dựng năm 2023, kinh phí 457 triệu đồng. Gần đây nhất là cầu 3.000 (ranh Bình Thành - Vọng Đông) đang xây dựng, kinh phí 572 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành Quách Văn Quí cho biết: “Dù xây dựng với hình thức xã hội hóa, nhưng các cây cầu đều bằng bê-tông cốt thép chắc chắn. Nhà tài trợ giúp đỡ toàn bộ vật liệu xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật, Nhân dân địa phương đóng góp công sức xây dựng. Đây thật sự là những cây cầu được xây lên từ trách nhiệm với cộng đồng”.

Huyện Thoại Sơn vinh dự là huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đến nay, huyện có 14/14 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt đô thị văn minh. Hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBMTTQVN huyện vận động Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội (kể cả tiền mặt, hiện vật) gần 27 tỷ đồng. Từ nguồn này, 133 căn nhà Đại đoàn kết được cất mới (trị giá 6,3 tỷ đồng), 16 căn nhà được sửa chữa (259 triệu đồng); hỗ trợ khám chữa bệnh 109 lượt người (hơn 22 triệu đồng); giúp 1.019 lượt học sinh (trên 764 triệu đồng); thăm hỏi, tặng 33.877 phần quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn (gần 12 tỷ đồng); hỗ trợ an sinh xã hội (gần 5 tỷ đồng)...

Ở huyện NTM Thoại Sơn, nông dân giỏi không chỉ biết làm ăn giỏi, mà còn là những người gương mẫu đi đầu trong lĩnh vực xây dựng, phát triển NTM, tham gia tích cực mọi lĩnh vực hoạt động xã hội - từ thiện ở nông thôn; có tinh thần giúp nhau trong tình làng nghĩa xóm, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn.

Theo Hội Nông dân huyện Thoại Sơn, giai đoạn 2022 - 2024, lực lượng nông dân giỏi trong huyện tích cực tham gia phong trào xã hội - từ thiện, “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu với nhiều việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn, sâu sắc. Đó là: Cất nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà chính sách, chi phí hoạt động xe chuyển bệnh... 3 năm qua, hội viên nông dân đóng góp xây dựng trên 15 cây cầu, sửa chữa, nâng cấp trên 100km đường giao thông nông thôn từ việc đóng góp trên 10 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động.  

Có thể thấy, dân vận khéo rất quan trọng trong xây dựng NTM, đặc biệt là NTM nâng cao. Không chỉ là công cụ, mà dân vận khéo còn là một nghệ thuật thu hút sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

PHƯƠNG LAN