Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào ngày 23-5 tới. Cho dù chính đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này ở Ấn Độ, đảng đó cũng sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề lớn mà xã hội Ấn Độ đang phải đối mặt.
Thủ tướng Modi. Ảnh: Getty.
Cuộc bầu cử lần này chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Liên minh Dân chủ Quốc gia cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ lãnh đạo và Liên minh Tiến bộ Thống nhất đối lập do đảng Quốc đại đứng đầu.
Khẩu hiệu của Đảng Nhân dân Ấn Độ lần này là xây dựng Ấn Độ thành quốc gia hùng mạnh và trao quyền cho nhân dân, với chương trình nghị sự tập trung 3 vấn đề chủ chốt là an ninh quốc gia, chống khủng bố và tạo việc làm. Trong khi đó, đảng Quốc đại đưa ra cam kết “Quốc đại sẽ giữ lời hứa”, với cương lĩnh 15 điểm, trong đó nhấn mạnh vào các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nông dân và áp dụng mức thuế phải chăng.
Các kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu sau cuộc bầu cử Hạ viện khóa 17 của Ấn Độ cho thấy, đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Modi nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Theo kết quả 4 cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu, nhiều khả năng đảng Nhân dân Ấn Độ và liên minh Dân chủ Quốc gia cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ đứng đầu sẽ giành được số phiếu trong khoảng từ 280 đến 315 ghế trong Quốc hội, bỏ xa đảng Quốc đại đối lập.
Tuy nhiên kết quả thăm dò do hãng tin ABP (Ấn Độ) thực hiện lại cho thấy, liên minh Dân chủ Quốc gia cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ đứng đầu chỉ giành được 267 ghế, với thất bại nặng nề tại bang bang Uttar Pradesh. Vào năm 2014, đảng Nhân dân Ấn Độ giành được 71 ghế ở bang này song trong cuộc bầu cử này, đảng Nhân dân Ấn Độ sẽ để mất 51 ghế về tay các đảng mạnh hơn trong khu vực. Để giành chiến thắng, một chính đảng hay liên minh sẽ phải giành được tối thiểu 272 ghế mới có quyền thành lập chính phủ mới
Kết thúc cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo các đảng đối lập đã tiến hành một cuộc họp đột xuất làm dấy lên những đồn đoán về kết quả bầu cử. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, kết quả thăm dò thường chênh lệch so với kết quả bầu cử chính thức. Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân, người đứng đầu bang Tây Bengal Mamata Banerjee đã nói rằng, bà không tin vào các cuộc thăm dò sau bầu cử.
Kinh tế đang được xem là vấn đề nổi cộm ở Ấn Độ hiện nay trong bối cảnh nông nghiệp đang khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp cao và lo ngại ngày càng tăng về việc kinh tế Ấn Độ đang chìm vào suy thoái. Dưới sự điều hành của Thủ tướng Modi, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này - đã có phần giảm sút vài phần. Tăng trưởng kinh tế chỉ dao động ở mức 7%.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ lại đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1970. Tình trạng được mùa song giá cả nông sản lại rớt giá dẫn đến thu nhập của người nông dân giảm sút, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần chồng chất. Ngoài vấn đề kinh tế, an ninh cũng là vấn đề được cử tri Ấn Độ quan tâm sau vụ tấn công của một nhóm phiến quân tại Pakistan khiến ít nhất 40 binh sĩ tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát thiệt mạng.
Một cử tri nói: “Mọi người đều nghĩ về sự phát triển của đất nước trong khi bỏ lá phiếu. Chúng tôi muốn Chính phủ phải xúc tiến các hoạt động thiết thực tại hành lang biên giới với Pakistan càng nhanh càng tốt nhằm mang lại lợi ích cho người dân”.
“Y tế và giáo dục là vấn đề được chúng tôi quan tâm. Ở khu vực của chúng tôi, không có trường học. Con em của chúng tôi vì thế không được đến trường. Tôi phải đi rất xa để đến được bệnh viện”, một cử tri khác cho biết.
Cuộc bầu cử Hạ viện ở Ấn Độ bắt đầu từ ngày 11-4 đến 19-5, theo 7 giai đoạn. Đây là cuộc bầu cử lập pháp kéo dài nhất thế giới. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào ngày 23-5 tới.
Theo HỒNG NHUNG (VOV)