Đằng sau vụ án “cha giết con”

30/03/2022 - 07:08

 - “Tòa ơi, không ai mà nỡ ăn thịt con mình hết! Tại nó rượt bị cáo hết đường chạy, bị cáo phản kháng lại, không ngờ lỡ tay đâm nó chết…”- ông Hà Quang Nhạo (sinh năm 1955, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) xót xa.

Ông Nhạo tại phiên tòa

Vợ mất, để lại 4 người con. Khi trưởng thành, mỗi đứa đều có hoàn cảnh, tính nết khác nhau, nhưng người khiến ông Nhạo lo nhất, vẫn là Hà Minh Nghĩa (sinh năm 1983). Mấy năm trước, Nghĩa ly hôn vợ, ông Nhạo đồng ý cho Nghĩa về sống cùng. Có ai ngờ được, ở tuổi xế chiều, ông không những không được con trai phụng dưỡng, mà còn chịu cảnh hắt hủi trong chính nhà mình.

Nghịch tử - đó là lời nhận xét của người thân, người quen về Nghĩa. Họ nhiều lần chứng kiến cảnh Nghĩa uống rượu trở chứng, xưng “tao” gọi “mày” với cha ruột. Bất hiếu bằng lời nói chưa đủ, Nghĩa còn cầm dao rượt đuổi, đánh đập, xô ông Nhạo xuống mương nước bất tỉnh. Con ruột Nghĩa còn tận mắt thấy cha hất mâm cơm, xô đẩy ông nội.

Một người con gái của ông Nhạo kể: “Thời gian sống chung với cha tôi, Nghĩa thường ngược đãi, nhiều lần dùng dao hăm dọa, đòi giết chết cha. Nguyên nhân là do Nghĩa đòi được chuyển quyền sử dụng, quản lý nhà và 8.000m2 đất ruộng, nhưng cha từ chối. Nghĩa không có việc làm, chỉ chơi bời, uống rượu, làm sao cha dám giao tài sản”.

Cảm thấy bất lực, không thể dạy dỗ con được nữa, ông Nhạo chọn cách nhẫn nhịn. Mà nếu không nhẫn nhịn, ông biết làm gì bây giờ? Mắng chửi, khuyên nhủ… đều như “nước đổ đầu vịt”. Càng phản ứng, Nghĩa càng bày tỏ thái độ tiêu cực hơn, nhất là khi có rượu trong người. Những hôm bị con đuổi khỏi nhà, người đàn ông gầy còm ấy bước thấp bước cao sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Bao nhiêu cay đắng, khổ sở, ông đều tự trách mình “nuôi con mà không dưỡng được tính con”.

Nhưng rất tiếc, sự nhẫn nhịn của ông không đem lại “điều lành” nào cả. Ngược lại, còn dung túng tính cách Nghĩa ngày càng quá quắt. Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra ngày 19/11/2021. Buổi trưa, Ngô Minh Đông (con rể cũ của ông Nhạo) ghé nhà chơi, rủ cha con ông cùng mấy người hàng xóm nhậu.
 

Rượu vào lời ra, Nghĩa lớn tiếng la mắng Đông “không chăm lo vợ con”. Hết vui, Đông bỏ về. Nghĩa lại quay sang chửi mắng cha mình, nhắc lại chuyện bán đất phải chia hết cho Nghĩa. Ông Nhạo không muốn nghe, vào nhà nằm nghỉ. Nguyễn Xuân Nhựt (hàng xóm) thấy thái độ Nghĩa hung hăng, lên tiếng khuyên nhủ, kéo Nghĩa ra chỗ khác nghỉ ngơi. Bữa nhậu kết thúc, nhưng bi kịch lại mở ra sau đó.

Thấy con đã đi ngủ, mọi chuyện yên ổn, ông Nhạo đem cơm ra trước nhà ngồi ăn. Bất ngờ, Nghĩa bước đến, chửi ông “đồ khùng điên”, quăng chén, dĩa, lật đổ mâm cơm ông đang ăn; xô ông khỏi bộ ván ngựa. Nhìn thức ăn tung tóe dưới đất, ông Nhạo cam chịu đi vào giường nằm. Nghĩa xông đến, dùng tay đánh cha mình, được Nhựt can ngăn.

Nghĩa nổi điên, xô Nhựt ra, lấy dao mác, kéo ở gần đó ném vào ông Nhạo, nhưng không trúng. Một lần nữa, Nghĩa xông vào, đánh lên đầu, bóp cổ ông Nhạo. “Lúc đó, tôi cố hết sức đạp nó ra, chạy qua kệ bếp. Nó cứ đuổi theo, đánh tôi lần nữa. Cùng đường, tôi chụp lấy cây dao mác đang để trên kệ, quơ trúng nó. Tôi đâu ngờ lại gây ra vết thương nặng làm nó chết!”- ông Nhạo khổ sở.

Dù Nghĩa có bất hiếu với ông đến mức nào, ông vẫn không nỡ cắt đứt tình cha con. Nhưng trong phút giây định mệnh ấy, chính ông tước đi mạng sống của nó. Hoặc, nếu ông không phản kháng kịp, có lẽ người tử vong là ông, còn Nghĩa sẽ đối mặt với mức án nặng nề cho hành vi giết cha? Ông cũng không nhớ được, hôm ấy mình đã trải qua ra sao. Tự tay đâm con trai, thấy con gục xuống, ông bỏ sang nhà bên cạnh, bần thần nói với ông bạn già: “Tao lỡ đâm thằng Nghĩa chết rồi, mày điện thoại báo công an dùm tao”.

Rồi ông đến Công an thị trấn Cái Dầu trình báo sự việc. Sau đó, ông được cho phép về nhà. Ngày 23/11, Nghĩa chết, ông Nhạo bị bắt, tạm giam. Đúng 1 tuần sau, ông bị khởi tố điều tra về tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, theo Điều 125 Bộ luật Hình sự. Ở tội danh này, ông chỉ phải đối mặt với mức án nhẹ hơn nhiều so với tội “Giết người”.

Ngày tòa án xét xử, các con, cháu của ông tham dự đầy đủ, vừa là người thân của bị cáo, mà cũng là người thân của bị hại. Rất hiếm có vụ án như thế, khi mọi người dành thương cảm cho bị cáo nhiều hơn. Người nhà đều một mực khẳng định, Nghĩa gây lỗi tày trời, xin Hội đồng xét xử tuyên mức án nhẹ nhất có thể, hoặc cho ông Nhạo được hưởng án treo.

Về tình, về lý, ông Nhạo đều đáng được sẻ chia. Cân nhắc tất cả tình tiết trong vụ án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt ông 9 tháng tù giam. Trừ đi mấy tháng tạm giam, ông Nhạo chỉ cần chấp hành án chưa đầy nửa năm nữa. Thế nhưng, những gì đã trải qua, sẽ luôn là vết thương lòng của gia đình và chính bản thân ông, ám ảnh đến khôn nguôi.

Khoản 1, Điều 125 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó, hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG