Đánh thức du lịch An Giang

05/07/2024 - 06:59

 - Bên cạnh lợi thế nông nghiệp, An Giang còn được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch (DL), như: DL tâm linh, DL sinh thái, DL khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa - lịch sử... Khi đặt trong mối liên kết vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ, thế mạnh DL càng được phát huy.

 Hấp dẫn du lịch Bảy Núi

Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức và tham gia chung các hoạt động quảng bá, xúc tiến DL, tham gia gian hàng chung tại các sự kiện nhằm hiện thực hóa hợp tác, liên kết thiết thực và hiệu quả, như: Hội chợ DL quốc tế VITM - Hà Nội, ITE - HCMC; Ngày hội DL TP. Hồ Chí Minh...

Khai thác lợi thế bản địa

Hoạt động từ đầu năm 2024, Khu DL sinh thái Jiao Hary (khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) là một trong những điểm đến ưa thích của người dân, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Với diện tích rộng 4ha, Khu DL sinh thái Jiao Hary mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, như: Hoạt động chèo thuyền tham quan vườn trái cây, chèo kayak và thưởng thức cà-phê tại đảo cá chép; chụp ảnh lưu niệm với những tiểu cảnh được bố trí đẹp mắt; thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm... Du khách còn có thể hóa thân làm người Chăm, chụp ảnh tại buồng cưới được trang hoàng đẹp, đầy màu sắc rực rỡ với những phong tục cưới hỏi của người Chăm.

Vào một số thời điểm trong năm, nơi đây còn tổ chức Phiên chợ quê làng Chăm Đa Phước để du khách đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm văn hóa của người dân địa phương; thưởng thức các món ăn đặc sản, như: Cà-ri bò, tung lò mò, bánh paykgah (bánh nhẫn), bánh saykya (bánh giàu)... Phiên chợ quê còn trưng bày và cung cấp những sản phẩm thủ công do nghệ nhân người Chăm làm ra, với tinh hoa độc đáo để du khách chiêm ngưỡng, mua sắm.

Giám đốc Công ty TNHH TM - DL Làng Chăm An Giang Abdul Alim cho biết, bản thân là người DTTS Chăm nên ông mong muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng quê hương. Nhận thấy tiềm năng phát triển DL cộng đồng, ông Abdul Alim đã đầu tư xây dựng Khu DL sinh thái Jiao Hary để kết nối, quảng bá văn hóa, ẩm thực truyền thống của người dân địa phương đến với du khách gần xa. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS Chăm có việc làm, thu nhập ổn định.

Khi cầu Châu Đốc thông xe, khoảng cách từ thành phố DL Châu Đốc sang làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) trở nên gần hơn. Cùng với các thánh đường uy nghi, nơi đây hấp dẫn du khách bởi trải nghiệm quy trình làm lạp xưởng bò (tung lò mò) của ông Hứa Hoàng Vũ; thưởng thức các món bánh dân gian: Bánh bò (cô ăm) và bánh bông lan (hà nàm căn) của nghệ nhân Rophy Á. Đặc biệt là trải nghiệm quy trình sản xuất các sản phẩm thổ cẩm tại Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong của ông Mohamad - người nặng lòng giữ gìn truyền thống địa phương.

Ông Mohamad cho biết, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Chăm ở ấp Phũm Soài được hình thành hơn 80 năm nay. Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà-rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như: Túi xách, ba-lô, nón, móc khóa...

Để tăng trải nghiệm của khách, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm, kết hợp giới thiệu văn hóa đặc trưng của người Chăm. Cơ sở còn liên kết với một số đầu bếp địa phương, phục vụ những món ăn đặc trưng theo yêu cầu, như: Cà-ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng...

“Từ tháng 6 đến cuối năm là thời điểm có đông du khách đến tham quan, mua sắm, đặc biệt có nhiều du khách nước ngoài. Họ rất thích tìm hiểu văn hóa của cộng đồng người Chăm, trải nghiệm cảm giác được tận tay thực hiện các công đoạn của nghề dệt” - ông Mohamad thông tin.

Trải nghiệm du lịch văn hóa Chăm An Giang

Giữ du khách

An Giang là vùng đất có sức hấp dẫn du khách. 6 tháng đầu năm 2024, có khoảng 7 triệu lượt du khách đã đến An Giang, tăng 16% so cùng kỳ 2023 và đạt 78% kế hoạch năm. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến và về trong ngày, chưa ở lại đêm nhiều nên chi tiêu còn thấp so tiềm năng. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh DL đang mở thêm các dịch vụ mới, thu hút du khách lưu trú lại.

Điển hình như tại khu vực núi Cấm (TX. Tịnh Biên) - ngọn núi cao nhất và nổi tiếng linh thiêng trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, trào lưu “chữa lành” đang được các homestay tập trung khai thác, thu hút đông đảo du khách tìm đến. Một trong những homestay đang “hot” ở núi Cấm là Thiên Cẩm Sơn Camping - Homestay Núi Cấm. Homestay có thiết kế gần gũi, sử dụng nguồn tre sẵn có ở địa phương để cất những ngôi nhà nhỏ, giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên. Nơi đây còn bố trí nhiều lều ở theo phong cách Mông Cổ, cho thuê trang phục để du khách thỏa sức tạo dáng.

Chị Lê Thị Kim Quí (chủ cơ sở Thiên Cẩm Sơn Camping - Homestay Núi Cấm) cho biết, khu vực cắm trại của homestay có bố trí nơi để khách đốt lửa trại, ngồi quây quần bên nhau thưởng thức tiệc nướng BBQ vào buổi tối, hay ngồi trên bàn ghế tre thưởng thức nước uống, ngắm cảnh trời đêm, ngắm toàn cảnh vùng Bảy Núi.

Cách đó không xa, homestay Thác suối tiên Núi Cấm thời gian gần đây được rất nhiều du khách tìm đến. Với không gian yên tĩnh, tách biệt phố thị ồn ào, đây là điểm đến lý tưởng dành riêng cho gia đình hoặc nhóm bạn muốn thư giãn, xả stress, “chữa lành”. Anh Ngô Văn Châu (chủ cơ sở Thác suối tiên Núi Cấm) cho biết, homestay được đưa vào hoạt động năm 2022, theo tư vấn của những đoàn du khách tham gia trekking núi Cấm.

Tại đây, anh Châu xây cất những ngôi nhà sàn bằng nguồn tre của địa phương. Du khách có thể lựa chọn phòng đơn, phòng đôi, phòng gia đình... với giá bình dân. Đến homestay, du khách được thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền núi, như: Rau rừng, măng tre, cua núi, ốc núi, su non, đọt su... Du khách được tự do tham quan núi, chứng kiến hoạt động sản xuất của người dân núi Cấm, ngâm mình vào dòng suối mát lạnh cách homestay không xa, đốt lửa trại vào buổi tối...

“Mình đã trải nghiệm hầu hết các homestay trên núi Cấm. Mỗi nơi đều có ấn tượng khác nhau. Thời gian tới, mình sẽ thu xếp công việc, rủ bạn bè đến đây để cắm trại” - anh Trần Nhật Long (du khách đến từ TP. Cần Thơ) nhận xét.

Lâu nay, An Giang chủ yếu đón khách hành hương vào mùa DL tâm linh (từ tháng giêng đến tháng 5 âm lịch), đến viếng Bà Chúa xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) và các ngôi chùa, điểm DL tâm linh vùng Bảy Núi. Thời gian gần đây, các dịch vụ homestay ở núi Cấm, núi Dài, núi Cô Tô bắt đầu tạo nên sức hút mới. Vào mùa mưa (từ tháng 6 âm lịch trở đi), Bảy Núi như thức giấc, chuyển sang màu xanh với nhiều loại đặc sản thiên nhiên hấp dẫn, thu hút khách ở đêm và mạnh dạn chi tiêu hơn.

Hấp dẫn du lịch Bảy Núi

Kết nối du lịch vùng

Những loại hình giữ chân du khách đang mở ra hướng đi mới cho DL An Giang, không chỉ làm DL “nửa năm” (đông khách vào mùa khô - mùa DL tâm linh; vắng khách vào mùa mưa).

Ông Nguyễn Hoàng Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và DL THE WINGS (TP. Long Xuyên) cho rằng, để thu hút khách quanh năm, cần liên kết phát triển thêm các tour, tuyến DL đặc thù, đẩy mạnh khai thác DL miệt vườn như tham quan vườn trái cây, trải nghiệm hái trái và thưởng thức trái cây theo mùa.

Đồng thời, phát triển DL sinh thái, tổ chức các tour khám phá rừng tràm, du thuyền trên sông nước, tham gia các hoạt động câu cá, bắt cua, bắt ốc ở ao, đìa nhằm tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt của người dân miền Tây trước đây. DN DL các tỉnh ĐBSCL có thể kết hợp tổ chức liên tour DL sông nước miệt vườn, DL văn hóa, tâm linh, tìm hiểu di tích lịch sử để tăng trải nghiệm và thu hút du khách nghỉ đêm, khai thác kinh tế đêm.

Chủ tịch Hiệp hội DL An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn cho rằng, vùng ĐBSCL có lợi thế DL rất lớn. Ước toàn vùng hiện có trên 3.000 cơ sở lưu trú với hơn 55.000 phòng nghỉ, trong đó có 600 khách sạn từ 1 - 5 sao; có 53 điểm DL tiêu biểu và nhiều điểm DL nông thôn, DL cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác DL, đang là những điểm đến hấp dẫn du khách.

Năm 2023, toàn vùng thu hút gần 45 triệu lượt khách, tăng 20,4% so năm 2022, trong đó có hơn 1,88 triệu lượt khách quốc tế, tăng đến 257,4%; doanh thu đạt 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so năm 2022 và tăng gần 14% so năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Điều này cho thấy, không chỉ thu hút đông khách, mà du khách bắt đầu chi tiêu nhiều hơn.

Liên kết tổ chức các tour, tuyến du lịch vùng ĐBSCL

Trải nghiệm du lịch văn hóa Chăm An Giang

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, DL vùng ĐBSCL sẽ được tập trung phát triển trở thành thương hiệu quốc tế về DL nông nghiệp - nông thôn, DL sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và DL biển, trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Đây là cơ hội để An Giang xây dựng thương hiệu DL đặc trưng, hòa vào thương hiệu DL của khu vực ĐBSCL để cùng khai thác thế mạnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trung Thành cho biết, để đánh thức tiềm năng DL vùng ĐBSCL, cần triển khai đồng bộ 6 giải pháp: Tiếp tục phát huy vai trò hợp tác, liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện); trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về DL; phát triển sản phẩm DL; quảng bá, xúc tiến DL; đào tạo nguồn nhân lực DL; tiếp tục liên kết xây dựng các tour, tuyến DL.

Theo đó, các địa phương và DN phải tích cực, chủ động liên kết, hình thành các tuyến DL đặc trưng từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL, đặc biệt là phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực DL, tổ chức tọa đàm, famtrip... Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng để giới thiệu với các DN DL, tạo điều kiện để các DN DL gặp gỡ, giao lưu nhằm hợp tác phát triển các sản phẩm DL. Đồng thời, định hướng các DN DL hợp tác liên kết xây dựng tour, tuyến DL kết nối giữa các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện kết nối hệ thống các DN lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển khách DL và các điểm tham quan DL trong khu vực.

Mỗi tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tích cực xây dựng các sản phẩm DL đặc thù địa phương, phối hợp, liên kết hình thành nên các tuyến DL đặc trưng của vùng. Đồng thời, phối hợp tổ chức, đón tiếp các đoàn khảo sát, đoàn famtrip từ các thị trường DL tiềm năng đến khảo sát, trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm DL theo từng tuyến DL cụ thể; hình thành các tour, tuyến DL trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục chia sẻ các phương thức quảng bá, xây dựng DL trong thời đại 4.0 qua các kênh mạng xã hội của các địa phương.

 NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN