Đánh thức tiềm lực vùng sông nước Cửu Long

22/06/2022 - 05:05

 - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết 78/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được xem là định hướng và động lực phát triển mới cho đất “Chín Rồng”.

Phát triển ĐBSCL tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Tăng quy mô nền kinh tế

Nghị quyết 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng ĐBSCL, trong đó, đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,5-7%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Trong tổng thu nhập vùng (GRDP), tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%); tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75-80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%/năm; từ 70-90% trường học đạt chuẩn quốc gia...

Nghị quyết 78/NQ-CP nêu rõ, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại; xây dựng các thành phố: Mỹ Tho (Tiền Giang), Tân An (Long An), Long Xuyên (An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Riêng Phú Quốc (Kiên Giang) được tập trung xây dựng thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị. Trong đó, trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang; trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển; trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Chính phủ tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; ban hành chính sách ưu đãi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp thành khu kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp sẽ là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng Mekong.

Giải bài toán giao thông

Với lợi thế năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ĐBSCL được ưu tiên phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, hiệu quả giữa các phương thức vận tải.

Từ đó, phát triển các hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang; hành lang kinh tế biên giới từ Long An, qua Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang. Đồng thời, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là theo phương thức đối tác công - tư (PPP) gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP. Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề. Bên cạnh đó, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia…

Khi những “điểm nghẽn” về giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, vốn đầu tư được tháo gỡ, ĐBSCL sẽ có cơ hội bứt phá phát triển xứng tầm.

Nghị quyết 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng khác để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, phát triển du lịch dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng sông nước Cửu Long.

NGÔ CHUẨN