Đánh thức tiềm năng An Giang - Đồng Tháp

05/05/2022 - 06:45

 - Không chỉ có vị trí “đất liền đất, sông liền sông”, An Giang và Đồng Tháp còn có nhiều điểm tương đồng. Đây được xem là cơ sở quan trọng để 2 tỉnh hợp tác toàn diện, đánh thức tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả lợi thế mỗi địa phương, tạo sức bật mới cho vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Từ đó, xây dựng hình mẫu hợp tác mới cho đất “Chín Rồng” cũng như cả nước.

An Giang và Đồng Tháp sẽ hợp tác phát triển công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hợp tác hiệu quả

Cuối tháng 4/2022, trước sự chứng kiến của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo 2 tỉnh và các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giữa An Giang và Đồng Tháp, giai đoạn 2022-2025.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, giữa An Giang và Đồng Tháp có nhiều điểm tương đồng, như: Cùng nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long; hưởng lợi về nguồn nước, phù sa, thủy sản của dòng Mekong; có lợi thế về nông nghiệp; cùng có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia…

Những năm qua, 2 tỉnh hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực, giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), là mô hình liên kết hợp tác khá hiệu quả của vùng ĐBSCL. Mối hợp tác tốt còn thể hiện trong giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới và nội địa; khai thác lợi thế đầu nguồn và kinh tế biên mậu; du lịch, nông nghiệp… Tuy nhiên, sự hợp tác vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của 2 tỉnh.

Ông Nghĩa cho rằng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KTXH giữa An Giang và Đồng Tháp là phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc hợp tác sẽ giúp phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng thống nhất kiến nghị, thống nhất hành động và tổ chức thực hiện. Với tinh thần bắt tay hợp tác chặt chẽ, An Giang và Đồng Tháp sẽ tạo ra hình mẫu tiên phong về hợp tác liên tỉnh, tạo ra mô hình để nhân rộng ở vùng ĐBSCL và cả nước.

Đánh thức tương lai

“Muốn đi nhanh cứ đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” - ông Nguyễn Thanh Bình nhắc lại câu đúc kết của nhân loại để nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác, liên kết, không chỉ An Giang - Đồng Tháp mà dần mở rộng ra những địa phương lân cận, như: TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, mở rộng hợp tác toàn vùng ĐBSCL.

“Các tỉnh ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng, cùng uống chung dòng nước sông Tiền, sông Hậu. Thay vì mỗi tỉnh tự quy hoạch, định hướng phát triển riêng lẻ, tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, thống nhất hành động, cùng kiến nghị Trung ương những vấn đề mang tầm vĩ mô, có tác động chung đến toàn vùng? Ví dụ như vấn đề an ninh nguồn nước, toàn vùng ĐBSCL có thể đề xuất chung dự án lớn, đảm bảo điều tiết và cung cấp nguồn nước ngọt lâu dài, bền vững. Ví dụ như vấn đề giao thông còn yếu kém, cản trở phát triển, các tỉnh có thể bàn bạc, kiến nghị đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ kết nối thông suốt toàn vùng…” - ông Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Trở lại câu chuyện hợp tác An Giang - Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, dù 2 tỉnh có nhiều điểm tương đồng, nhưng vẫn có những nét riêng không lẫn vào nhau. Cả 2 tỉnh đều còn nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa hợp tác phát triển. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, lãnh đạo 2 tỉnh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, phối hợp đón người lao động xa quê về địa phương an toàn, ổn định cuộc sống người dân. Ảnh hưởng của dịch bệnh càng thúc đẩy các tỉnh phải tăng cường hợp tác với nhau.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KTXH giữa An Giang và Đồng Tháp lần này mở đầu cho tiến trình hợp tác toàn diện giữa 2 địa phương. Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm, An Giang và Đồng Tháp sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác toàn vùng ĐBSCL. Khi tất cả 13 tỉnh, thành phố vùng đất “Chín Rồng” cùng có chung tiếng nói, cùng chung hành động, sẽ cùng đạt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng ĐBSCL thành vùng đất đáng sống, thịnh vượng.

Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KTXH giữa tỉnh An Giang và Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, 2 địa phương sẽ cùng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cùng nhau phát triển, thực hiện tốt định hướng phát triển của vùng ĐBSCL và của 2 địa phương. An Giang và Đồng Tháp sẽ hợp tác đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho 2 tỉnh và vùng ĐBSCL; phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư khu vực biên giới, logistics, công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

Giai đoạn 2022-2025, An Giang và Đồng Tháp thống nhất hợp tác trên các lĩnh vực: Hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực du lịch; hợp tác lĩnh vực giao thông - vận tải; hợp tác lĩnh vực tài nguyên môi trường.

NGÔ CHUẨN