Danh y Lê Hữu Trác với kiệt tác Thượng kinh ký sự

06/12/2023 - 22:24

 - Không chỉ là danh y vang tiếng, Lê Hữu Trác còn là nhà văn lớn, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, trong đó bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh được coi là “bách khoa thư y học”, còn Thượng kinh ký sự là kiệt tác độc đáo.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là con trai thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông theo binh nghiệp lúc 24 tuổi, 4 năm sau tự xin nghỉ rồi theo học nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Tên hiệu của ông là Hải Thượng, sau đặt tên Lãn Ông (ông già lười), ngụ ý không muốn bon chen theo con đường danh lợi.

Ngoài chữa bệnh cứu người vang tiếng, ông để lại khối di sản văn hóa đồ sộ, giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt cho hậu thế, hiện còn giữ được Hải Thượng y tông tâm lĩnh với 28 tập, 66 quyển. Đây là bộ sách vĩ đại về trị bệnh của người Việt thời trung đại. Đặc biệt, trong quyển cuối cùng của bộ sách xuất hiện trứ tác Thượng kinh ký sự đặc sắc, với nhiều đường biên về thể loại, nào là du ký, bút ký, phóng sự, ký sự... Ở thể loại nào, học giả các thời đều khẳng định “tác phẩm đậm tính chân thật, độc đáo, tiêu biểu và hơn hết là một sự khai phá, đi đầu”. Tác phẩm hoàn thành vào cuối năm Quý Mão - Cảnh Hưng 44 (1783).

Chỉ xét về thể loại, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Khởi đầu, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật khi tóm tắt nội dung tác phẩm, nhận xét: “Cụ Lãn Ông cất bút chép những sự lịch du, việc chữa bệnh ở thượng kinh đề là “Thượng kinh ký sự”, phụ xuống cuối bộ “Y tông tâm lĩnh” thành 65 quyển cũng là có ý. Đến quyển du ký thứ 66, vừa thơ, vừa ký, văn thái phong lưu, thật là cuốn du ký, trần thuật độc đáo, xứng đáng là kiệt tác lần đầu trong văn học Việt Nam mà ta ít thấy”. Giáo sư Nguyễn Lộc định danh: “Thượng kinh ký sự là một tập ký sự bằng chữ Hán của nhà y học kỳ lạ, ít thấy, rất giá trị trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 10 đến nửa đầu thế kỷ 19, xứng đáng xếp sau Hoàng Lê nhất thống chí”. Còn với nhà báo, nhà văn Đoàn Minh Tuấn thì: “Quyển ký sự này gần như là quyển duy nhất trong nền văn học cổ của Việt Nam. Ở đây là người thực chép việc thực, một lối văn tinh tế, chân thật, không những là nhà y học lớn nhất của nước Việt thời trước, nhà văn lỗi lạc, mà ông còn là ông tổ của nghề báo Việt Nam. Bởi xưa kia, tầng lớp nho sĩ chuộng về từ chương, ít ai viết văn lối phóng sự kể những việc riêng tư của đời sống xã hội. Ngoài giá trị văn học, tập ký sự này còn là một sử liệu vô giá”.

Nói riêng về thơ trong Thượng kinh ký sự, danh y Lê Hữu Trác sáng tác tích hợp, đan xen các thể: Thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt, có khi một bài liên hoàn đến 2, 3, 4 bài; có khi trong 4 bài lại vừa bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt. Nhìn rộng ra, trong thơ có khi chủ động ra đề xướng, có khi viết bài họa, có khi đối ẩm, gặp gỡ trực tiếp, có khi trao đổi gián tiếp qua thư từ, có khi thả buông bài thơ, lúc kèm thêm các lời bình. Đặc biệt, sau khi gặp lại “cố nhân” (là sư nữ Huê Cầu đang ở kinh thành), ông cảm thán bằng bài thơ “Ngộ cố nhân” - là một bài thơ tình của “một lãng tử” đã ngoài tuổi 60. “Vô tâm nên nỗi lụy người ta/ Trông mặt nhau đây luống xót xa/ Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ/ Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa/ Kiếp này hãy kết làm huynh muội/ Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia/ Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ/ Dở dang, dang dở biết ru mà?” - nhà văn Ngô Tất Tố dịch.

Thượng kinh ký sự của danh y Lê Hữu Trác là tác phẩm du ký trường thiên, phóng sự, ký sự chữ Hán mở đầu, tiêu biểu ở thế kỷ 18 - 19. Về cơ bản, tác phẩm kết hợp thỏa đáng tâm thế “du ký công vụ” với tiếng nói con người cá nhân, sử dụng thể tài bút ký, ghi chép người thật việc thật, tuân theo trật tự thời gian và mở rộng biên độ hình thức thể loại với sự xuất hiện hàng chục bài thơ Đường luật. Trong đó, độc thoại nội tâm, hồi ức, kỷ niệm, nói tận lòng sự yêu đương, thể hiện việc khảo tả địa lý - hành chính, phác thảo cảnh quan, chân dung con người và cuộc sống của thực tại. Từ điểm nhìn của thế kỷ 21, chúng ta có đủ cơ sở xác định tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự là kết tinh các thành tựu và giá trị về nhiều lĩnh vực, phương diện mà danh y Lê Hữu Trác gửi lại cho hậu thế.

Ngày 21/11/2023, tại phiên họp lần thứ 42, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của UNESCO đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.

NGUYỄN RẠNG