Một phần hiện trường "pháo đài châu báu" nhìn từ trên cao - Ảnh do nhóm khảo cổ cung cấp
Cũng như các phần khác của thành phố cổ được khai quật, căn cứ quân sự này được xây vô cùng kiên cố và xa hoa. Những bằng chứng còn lại cho thấy nó được chính thức đưa vào sử dụng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên. Có ít nhất 5.000-6.000 binh lính chuyên nghiệp và hàng ngàn người phục vụ các công tác khác trú ngụ nơi đây.
Cấu trúc dạng này được người La Mã gọi là principium, tức "trụ sở quân đoàn La Mã". Có khoảng 100 khu căn cứ principium được xây dựng trên khắp Đế chế La Mã, hầu hết được chôn vùi dưới các thành phố hiện đại. Việc phát hiện ra cụm cấu trúc này dưới ruộng bắp là hết sức bất ngờ, nhưng lại là lợi thế tuyệt vời cho việc đào bới.
Nhà khảo cổ Miomir Korac, đại diện nhóm khai quật, trả lời phỏng vấn trên KFGO rằng đây là principium đầu tiên trên thế giới được khám phá một cách hoàn toàn và không hề bị xáo trộn bởi thời gian. Hiện mới chỉ 1/4 địa điểm được khai quật, để lộ ra hơn 40 căn phòng rộng mênh mông, một ngôi đền, một kho bạc và một đài phun nước. Trong một gian phòng, họ còn tìm thấy 120 đồng xu cổ, vốn là một gia tài kha khá thời bấy giờ. Có vẻ chủ nhân đã vội vã rời đi trong thiên tai hoặc một cuộc binh biến.
Toàn bộ công trình ước tính rộng tới 5.300 m2 và hứa hẹn đem về nhiều đồ tạo tác quý giá bởi công dân của Đế chế La Mã vô cùng giàu có. Ở các phần khác của thành phố cổ Viminacium, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tranh khảm đắt giá, các viên gạch bằng vàng ròng, 14.000 ngôi mộ cổ lộng lẫy và cả... hài cốt 3 con ma mút.
Công tác khai quật "pháo đài châu báu" này cũng như toàn bộ thành phố cổ vẫn đang được tiếp diễn.
Theo THU ANH (Người lao động)