Đồng bào DTTS Khmer sinh sống đông ở TX. Tịnh Biên, gồm các địa phương: Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lợi, An Hảo và An Cư. Dân số toàn thị xã hiện nay là 30.454 hộ, với 108.221 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS Khmer 28.834 nhân khẩu, chiếm 26,64% so tổng dân số toàn thị xã. Đa số người Khmer làm nông nghiệp, một số ít chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Trưởng phòng Dân tộc TX. Tịnh Biên Neáng Sêm thông tin: “Những năm qua, UBND thị xã quan tâm chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho đồng bào DTTS Khmer.
Ngoài ra, bà con còn được vay vốn, tiếp cận thông tin thị trường lao động để tìm việc làm ổn định. Chúng tôi còn phối hợp ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn, lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội cho người lao động nghèo, đồng bào DTTS Khmer phát triển nghề nghiệp”.
Bà Neáng Sêm cho hay, thanh niên Khmer thông qua công tác vận động của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã hướng đến mục tiêu xuất khẩu lao động ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm kiếm tương lai. Với thu nhập dao động từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, đây là mức lương lý tưởng, đủ sức hút để thanh niên Khmer sẵn sàng tham gia xuất khẩu lao động thời gian qua.
“Đã có trường hợp sau khi mãn hạn hợp đồng tiếp tục đăng ký xuất khẩu lao động. Điều này cho thấy, xuất khẩu lao động thực sự là một trong những cách thoát nghèo của đồng bào Khmer tại TX. Tịnh Biên. Đa phần thanh niên Khmer khi tham gia xuất khẩu lao động đều xác định mục tiêu sẽ tích lũy kiến thức có được tại Nhật Bản, để tìm một công việc tốt hơn, hoặc có hướng khởi nghiệp khi trở về nước. Hơn nữa, mức thu nhập hiện tại sẽ giúp cho gia đình trút bỏ gánh nặng kinh tế, hướng tới cuộc sống ổn định hơn” - bà Neáng Sêm phân tích.
Trong mục tiêu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động Khmer, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên đã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã năm 2023. Trong đó, có tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi tổ chức đào tạo 11 lớp dạy nghề, với 330 học viên theo hình thức sơ cấp nghề, đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí 2 - 3 triệu đồng/người/khóa học, tạo điều kiện để họ yên tâm tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua các lớp dạy nghề, đã giúp cho lao động là đồng bào DTTS Khmer, nhất là lao động nữ, có thêm điều kiện tiếp cận việc làm nhằm tăng thu nhập cho gia đình”.
Cũng theo bà Lý Kim Thoa, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên quan tâm đến mục tiêu kết nối hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động là đồng bào DTTS Khmer. “Chúng tôi tăng cường hỗ trợ người dân thông qua hoạt động kết nối cơ hội việc làm. Trong đó, đã tham mưu UBND thị xã tổ chức thành công Phiên giao dịch việc làm năm 2023 với 32 doanh nghiệp, trường nghề đến tham dự.
Phiên giao dịch đã thu hút trên 1.000 lao động, học sinh, sinh viên tại địa phương tham gia. Kết quả, đã có 77 lao động đăng ký phỏng vấn tham gia xuất khẩu lao động, 221 học sinh đăng ký học nghề, 346 lao động đăng ký tìm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp… góp phần giải quyết một phần nhu cầu việc làm cho người lao động địa phương” - bà Lý Kim Thoa cho biết thêm.
Tuy nhiên, dù ngành chuyên môn đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Toàn thị xã vẫn còn trên 20% lao động sau khi học nghề chưa có việc làm. Sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các ngành chức năng, doanh nghiệp đôi lúc chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nghề…
“Theo chỉ đạo của UBND TX. Tịnh Biên, chúng tôi sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, nhất là trong đồng bào DTTS Khmer. Tổ chức tuyên truyền công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cũng như theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả đầu ra để thống kê tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề xong. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào Khmer, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã trong những năm tới” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết thêm.
THANH TIẾN