Đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở An Giang

25/12/2023 - 03:26

 - Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) đang được người dân, ngành chức năng, địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp được đưa ra, thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Tăng cường đào tạo nghề

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp người dân tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Để nâng cao năng lực quản lý, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh An Giang đã 4 lần sắp xếp.

Hiện nay, 26 cơ sở được cấp phép hoạt động, gồm: 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Quy mô đào tạo được cấp phép khoảng 48.840 người học/năm (cao đẳng 1.495 người, trung cấp 5.920 người, sơ cấp 9.660 người, dưới 3 tháng 17.740 người). Quy mô tuyển sinh bình quân khoảng 23.010 người/năm.

Năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 22.912 người (tỷ lệ 83,1 % so kế hoạch năm). Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.179 lao động thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia thông qua 414 lớp, kinh phí khoảng 6,3 tỷ đồng. Tổng số học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp 13.270 người, đạt tỷ lệ 88,5%.

Nâng cao tay nghề cho lao động. Ảnh: G.K

Nhà nước luôn ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng bào DTTS được ưu tiên đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây được coi là một trong những chính sách quan trọng đối với lao động DTTS, giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, giảm nghèo. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tranh thủ phân bổ kinh phí cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cơ sở thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.542 người (đạt 117% chỉ tiêu UBND tỉnh phê duyệt).

Năm 2022, 2023, tổng kinh phí phân bố cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên 30 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị đào tạo nghề khoảng 27,2 tỷ đồng; còn lại dùng để nâng cao năng lực phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, truyền thông, tuyên truyền, hướng nghiệp, khởi nghiệp.

Qua đó, từng bước góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kết quả tuyển sinh đào tạo tăng từng năm. Người học được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thị trường việc làm rộng mở

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) An Giang, đơn vị tích cực triển khai giải pháp kết nối cung - cầu lao động, giúp doanh nghiệp (DN) gặp NLĐ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm; 32 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho NLĐ tại 10 huyện, thị xã, thành phố, với 365 DN (tham dự trực tiếp lẫn trực tuyến), thu hút 12.950 lao động. Tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 35.676 trường hợp (2.607 trường hợp được giới thiệu việc làm thành công).

Các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp tuyên truyền chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm; duy trì, mở rộng việc làm; chính sách hỗ trợ cho NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền. Toàn tỉnh có 429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nhật Bản: 290 lao động, Đài Loan 110 lao động, Hàn Quốc 11 lao động…).

Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH An Giang tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức đa dạng hình thức khởi nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo ra việc làm cho bản thân và xã hội. Tăng cường tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu DN, tuyển dụng người học vào làm việc tại DN sau khi tốt nghiệp.

Trong giải quyết việc làm, đơn vị chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện tình hình thị trường lao động, việc làm; tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối thông tin cho NLĐ; phiên giao dịch việc làm.

Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng xã hội... giúp người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

K.N