Xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có nhiều nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, như: Đan đát, đan giỏ ny-lon, cơ sở lò gạch, sơ chế rau màu… Qua đó, phần nào giúp các lao động, nhất là lao động nữ có việc làm, kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, phụ giúp kinh tế gia đình.
Tháng 12/2022, khi vừa được cấp kinh phí mở lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ ở địa phương, Hội LHPN xã Long Giang tham mưu UBND xã, phối hợp Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang (huyện Chợ Mới) mở lớp dạy nghề may công nghiệp theo nhu cầu của hội viên. Lớp học có 30 học viên, khi tham gia lớp học, các học viên là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí 30.000 đồng/ngày.
Trực tiếp tham gia quản lý lớp, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Giang Lê Kim Thu cho biết, trước khi mở lớp dạy nghề cho các chị em, hội khảo sát nhu cầu học nghề của các chị em và chọn những nghề phù hợp thực tế ở địa phương.
“Trong rất nhiều nghề được giới thiệu, như: Nail, tóc, nấu ăn, phục vụ… đa phần chị em lựa chọn học nghề may công nghiệp. Khi kết thúc lớp học, những bạn trẻ từ 18 - 25 tuổi có thể xin làm công nhân ở các công ty may ở địa phương hoặc huyện Châu Thành, TP. Long Xuyên. Những hội viên từ 35 tuổi trở lên, đã có gia đình, có con nhỏ có thể nhận hàng về gia công tại nhà, giúp họ có điều kiện vừa chăm sóc gia đình, vừa có làm việc và thu nhập ổn định” - chị Lê Kim Thu chia sẻ.
Các học viên được nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học may công nghiệp
Lớp học may diễn ra trong 1,5 tháng, các học viên được giáo viên hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật sử dụng, bảo quản, vận hành máy may; thực hành đường may căn bản, chi tiết và lắp ráp công đoạn sản phẩm theo dây chuyền may công nghiệp... Kết thúc khóa học, học viên được cấp giấy chứng chỉ đào tạo từ trường, đây là lợi thế khi tham gia xin việc vì có bằng cấp và tay nghề.
Đối với những hội viên, phụ nữ còn vướng bận gia đình, Hội LHPN xã Long Giang tiến hành khảo sát các công ty, cơ sở may quần áo, thú nhồi bông… có giao sản phẩm về làm tại nhà để kết nối việc làm.
“Hiện nay, các chị em đang rèn luyện tay nghề tại nhà, cố gắng chỉn chu đường may với ý định nhận sản phẩm về nhà gia công. Đồng thời, tích góp tiền để đầu tư mua máy may, thuận tiện làm việc. Khi đó, việc kết nối chắc chắn sẽ thực hiện nhanh chóng để hội viên có việc làm và thu nhập” - chị Lê Kim Thu cho hay.
Ngoài các kỹ thuật cắt, may cơ bản phục vụ may công nghiệp, học viên có nhu cầu học thêm kỹ thuật may đồ bộ, áo kiểu… cũng được giáo viên hướng dẫn tận tình. Nhờ vậy, khi tham dự lớp dạy may công nghiệp, các hội viên, phụ nữ còn biết cắt, may quần áo cho gia đình và không ngừng nâng cao tay nghề…
Sau khi kết thúc khóa học may công nghiệp, đa phần hội viên, phụ nữ ở địa phương đều mong muốn được tiếp tục tham gia các lớp học may nâng cao, giúp tay nghề vững hơn và thêm nhiều cơ hội việc làm.
Vừa tốt nghiệp xong bậc phổ thông, em Phan Thị Tường Vy (người dân địa phương) tham khảo thông tin, tham gia các lớp học nghề ngắn hạn để chủ động tìm kiếm việc làm tại địa phương. Được Hội LHPN xã thông tin về lớp học may công nghiệp, Tường Vy nhanh chóng đăng ký tham gia. Tường Vy cho biết, khi tham gia lớp học, học viên được chuẩn bị vật liệu để thực hành kỹ thuật may cơ bản, đến việc sử dụng máy may thành thạo.
Ngoài những bước may công nghiệp, giáo viên còn hướng dẫn thêm kỹ thuật may áo sơ mi, áo kiểu, đồ bộ… Tuy thời gian học chưa nhiều, nhưng nhờ giáo viên nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” nên đa số học viên đều bắt kịp tiến độ và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
“Tôi tham gia lớp đào tào nghề trong thời gian ngắn nên chưa thạo công việc. Sau các buổi tiếp nhận kiến thức tại lớp nếu chịu khó rèn luyện thêm tại nhà, tôi tin chắc mình sẽ thực hiện được công việc này” - Tường Vy chia sẻ.
Khi biết được nhiều nghề sẽ là lợi thế rất lớn, giúp lao động dễ tìm việc làm, có thể làm thuê hoặc mở cơ sở tại nhà để tạo thu nhập. Mới đây, 1 cơ sở kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cườm ở huyện Phú Tân đến liên hệ địa phương, mong muốn kết nối giao sản phẩm cho lao động gia công tại nhà.
Trước đó, cơ sở trực tiếp cho người đến địa phương để dạy nghề, hướng dẫn các chị em kết cườm, tạo ra sản phẩm theo yêu cầu. Hội LHPN xã giao các Chi hội trưởng Phụ nữ ấp nắm bắt nhu cầu hội viên, phụ nữ, nếu được sẽ mở các lớp dạy nghề, giúp chị em có thêm thu nhập.
“Nghề kết cườm tương đối dễ, quan trọng là có được cơ sở kết nối đầu ra, giao sản phẩm đến tận nhà để gia công. Qua đó, mở ra hướng giải quyết việc làm rất thiết thực cho phụ nữ địa phương” - chị Lê Kim Thu thông tin.
ÁNH NGUYÊN