Dấu ấn Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang tại nghị trường

23/11/2022 - 07:16

 - Sau 21 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình làm việc. Cùng với các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cả nước, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang để lại nhiều dấu ấn đối với cử tri và nhân dân. Điểm nhấn là đóng góp chất lượng, trí tuệ của mỗi đại biểu đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các phiên họp và hoạt động bên lề. Bên cạnh đó, đoàn tập trung nghiên cứu tài liệu, kết hợp nắm bắt tình hình thực tiễn, chắt lọc từ phản ánh, kiến nghị của cử tri để có ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng và quyết định đúng đắn đối với nội dung được thảo luận, thông qua tại kỳ họp.

Một trong những vấn đề nóng tại nghị trường là đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), khi hàng trăm đại biểu cùng nhấn nút đăng ký thảo luận trong phiên họp. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đồng thuận với việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành, nhằm khắc phục bất cập hiện tại.

Ngoài quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai tại mục 3, Chương II, việc dự thảo luật bổ sung mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai là rất phù hợp, nhằm đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng. Đó là nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

“Tuy nhiên, Chương II gồm 21 điều, có đến 18 điều quy định rất chi tiết về quyền, trách nhiệm của nhà nước; chỉ dành 3 điều để đề cập khái quát những vấn đề chung về quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều này là chưa rõ, chưa có sự tương xứng về bố cục và thể hiện nội dung. Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội hàm làm rõ hơn, nhất là các khoản có liên quan đến người dân, như: Tham gia góp ý kiến về quy luật, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; tham gia thảo luận, kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai… nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận và dễ áp dụng hơn trong thực tiễn” - ĐBQH Trần Thị Thanh Hương đề xuất.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, ĐBQH Chau Chắc cho rằng: “Việc phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Ngoài ra, cần hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến công trình xây dựng, giao thông... Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 12, đề nghị chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phòng thủ dân sự, phải bảo đảm yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro thảm họa sự cố và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thảm họa sự cố”.

Suốt kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn những vấn đề nóng, cử tri quan tâm. ĐBQH Trình Lam Sinh chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về giải pháp đối với vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí nguồn lực xã hội, bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, việc nâng cấp đường cao hơn nền nhà dân diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các đô thị, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh, gây tốn kém trong việc sửa chữa và làm mất mỹ quan đô thị, khi xuất hiện những dãy nhà thấp hơn mặt đường, có khi hơn cả mét.

Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Trình Lam Sinh nêu thực trạng: “Gần đây, nhiều người dân nhận được cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật về giao thông, xây dựng… Yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc nộp phạt, nếu không sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố. Vấn đề là tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của công dân? Bằng cách nào đó, thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để kẻ xấu khai thác, đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp quản lý”...

Kỳ họp kết thúc, tiếp tục mở ra nhiều công việc lớn cho Quốc hội, các đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH, như: Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, thông báo kết quả kỳ họp và ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri; cùng chung tay hiện thực hóa các nghị quyết, luật đã ban hành. Những hoạt động ấy kỳ vọng ngày càng ghi dấu sự chất lượng, trí tuệ và trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, An Giang nói riêng.

“Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) vừa qua đã yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần, được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng vị ĐBQH tại kỳ họp. Hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

 

GIA KHÁNH