Dấu ấn Nguyễn Hữu Cảnh trên đất cù lao Ông Chưởng

22/11/2022 - 07:02

 - Cù lao Ông Chưởng từ lâu đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Đây là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên trong tỉnh An Giang. Tại nơi đây, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã dừng chân, mở ra cơ hội cho lưu dân người Việt khai phá, định cư, lập làng, tiến tới xác lập chủ quyền trên thực tế ở vùng đất này.

Dấu ấn vị anh hùng dân tộc

Cù lao Ông Chưởng là cù lao lớn của huyện Chợ Mới. Trước thế kỷ XVIII, cù lao này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như: Cù lao Cây Sao, Cái Sao, bãi Cây Sao, Châu Sao Mộc hay cù lao Tiêu Mộc, vì cù lao này có nhiều cây sao. Tên gọi cù lao Ông Chưởng được định danh vào đầu thế kỷ XVIII, vì sự xuất hiện liên quan đến danh thần Nguyễn Hữu Cảnh.

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn được biết đến với các tên gọi: Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Hữu Thành. Trong các tên húy của ông, như: Kính, Lễ, Thành, húy Kính (sau đọc trại âm là Cảnh) được biết và dùng nhiều nhất, húy Lễ được dùng khi triều đình phong cho ông tước Lễ Thành hầu. Nguyễn Hữu Cảnh không những là vị khai quốc công thần, có công mở cõi đất phương Nam mà còn là vị tướng tài đức song toàn, được người dân Nam Bộ hết mực tôn kính.

Nhiều công trình mang tên Nguyễn Hữu Cảnh

Theo lịch sử ghi chép, năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu đem quân sang cướp bóc dân buôn và đánh sang Đại Việt. Lúc này, Nguyễn Hữu Cảnh - khi đó là Chưởng cơ trấn thủ dinh Bình Khang (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) được chúa Nguyễn cử làm Thống binh đi đánh dẹp giặc và an dân. Đầu năm Canh Thìn 1700, thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã đến tận thành La Bích (Nam Vang, tức Phnom Penh, Vương quốc Campuchia ngày nay) đánh tan quân Chân Lạp. Vua Chân Lạp quy hàng, quân Đại Việt rút về biên giới.

Khi thuyền quân đi vào rạch Ngư Ông Đà (tên gọi cũ của rạch Ông Chưởng), Nguyễn Hữu Cảnh dừng lại tại cù lao Tiêu Mộc để binh lính nghỉ ngơi, báo tin thắng trận. Tại đây, ông chủ động thăm hỏi lưu dân sinh sống ở 2 bên bờ rạch, kêu gọi mọi người phải sống thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy thời gian ở cù lao không lâu, nhưng ông đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp và được người dân hết mực tôn kính. Sau một thời gian bị nhiễm bệnh, ông kéo quân về Sầm Giang (nay là Rạch Gầm) thì mất. Linh cửu Nguyễn Hữu Cảnh được đưa về cù lao Phố (Biên Hòa) an táng.

Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu truy tặng chức Chưởng Dinh, ban thụy là Trung Cần. Đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820), ông được tặng làm phó tướng Chưởng cơ, liệt vào hàng công thần thượng đẳng, thờ tại Thái miếu. Năm 1810, được liệt thờ vào miếu Khai quốc công thần. Đời vua Minh Mạng, ông được tặng chức Đô thống chế dinh thần cơ, phong tước Vĩnh An hầu.  Sau khi hay tin ông mất, để tỏ lòng thương tiếc và tri ân sâu sắc, cư dân vùng cù lao Tiêu Mộc đã tự đổi tên thành cù lao Ông Chưởng, tức gọi theo chức “Chưởng cơ” của ông; rạch Ngư Ông Đà được người dân đổi thành rạch Ông Chưởng.

“Thượng đẳng phúc thần”

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, xác định chủ quyền, bình định an dân… trên vùng đất Gia Định xưa nên cư dân Nam Bộ lập nhiều đình, miếu, kính cẩn tôn thờ ông là “Thượng đẳng phúc thần”. Tại An Giang, dọc bờ sông Tiền ngày trước, nơi mà thuyền ông từng đi ngang hoặc ghé qua, cư dân xây dựng nhiều đình, dinh để ghi nhớ công trạng của ông. Ở huyện Chợ Mới, nơi ông từng dừng chân năm 1700 được gọi là cù lao Ông Chưởng. Con rạch nối sông Tiền với sông Hậu được gọi là rạch Ông Chưởng (sông Ông Chưởng) hay lòng Ông Chưởng.

Tại những nơi ông đến, người dân lập dinh, đình thờ để tưởng nhớ công ơn. Ở cù lao Ông Chưởng có 2 dinh quan trọng: Dinh Ông Long Kiến và Dinh Ông Kiến An. Dinh Ông Kiến An về sau vì đất lở nên chia hai, thêm Dinh Ông thị trấn Chợ Mới. Tại xã An Thạnh Trung, người dân cũng xây dựng dinh để thờ ông. Đối với người dân các xã trên, lễ kỳ yên hàng năm được xem là ngày lễ lớn trong năm. Theo đó, dinh Kiến An tổ chức từ ngày 5 đến 8/5, dinh Long Kiến tổ chức ngày 7 đến 9/5, dinh thị trấn Chợ Mới và An Thạnh Trung tổ chức ngày 8 đến 10/5. Sở dĩ có sự chênh lệch ngày là để Ban Quý tế đình, dinh có thời gian tham gia, giao lưu, chủ trì lễ qua lại tại các dinh và đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Qua đó, thể hiện mối giao hảo sâu sắc trong hoạt động thờ cúng chung 1 vị Thành hoàng.

Đặc biệt hiện nay, chức tước của Nguyễn Hữu Cảnh được đặt cho nhiều công trình, địa danh trên địa bàn huyện Chợ Mới. Tiêu biểu như: Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thờ Ông Chưởng… Đặc biệt, vào năm 2000-2001, chiếc cầu nối 2 bờ thị trấn Chợ Mới và xã Kiến An thay cho bến đò Quản Nhung cũng được đặt tên là cầu Ông Chưởng. Điều này có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, cái tên “Ông Chưởng“ được người dân gợi nhớ, thể hiện vai trò và vị trí quan trọng của Nguyễn Hữu Cảnh đối với người dân xứ cù lao này.

Rạch Ông Chưởng lấy nước sông Tiền ở đầu thị trấn Chợ Mới qua 6 xã: Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, Kiến An, Kiến Thành và Long Giang, rồi đổ vào sông Hậu tại đỉnh cua cong của cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên). Cù lao Ông Chưởng là vùng đất bờ hữu ngạn rạch Ông Chưởng, gồm địa bàn 5 xã: Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang.

ĐỨC TOÀN