Dấu hiệu ở chân báo động đường trong máu tăng vọt

25/06/2023 - 09:53

Nếu chân thường xuyên bị tê, vết thương lâu lành, da đổi màu, bạn cần đề phòng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Trên thế giới có hơn 500 triệu bệnh nhân tiểu đường (số liệu năm 2021). Nhiều người có lượng đường trong máu cao bất thường và cơ thể phát ra tín hiệu báo động nhưng họ không đến bệnh viện khám. Một số người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường không muốn hoặc quên dùng thuốc.

Đường huyết tăng cao trong một hai ngày sẽ không gây hại cho bạn, nhưng nếu kéo dài 1-2 tháng, 1-2 năm sẽ khiến cơ thể tổn thương. Điều tệ hại nhất của bệnh tiểu đường là gây ra các biến chứng như mù lòa, tổn thương tim, cắt cụt tay chân. 

Đôi chân được gọi là máy đo đường huyết. Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, chân sẽ có dấu hiệu bất thường.

Chân tê bì là dấu hiệu phổ biến ở nhiều bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh họa: Dvpainandspine

Tê chân

Tăng đường huyết có thể gây tổn thương lớn cho dây thần kinh, dễ dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường. Khi đó, bệnh nhân sẽ bị tổn thương dây thần kinh ở chân. 

Theo Mayo Clinic, tùy thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng, triệu chứng bao gồm đau và tê ở bàn chân và bàn tay. Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề với hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu và tim. Nếu không chú ý điều trị, cảm giác tê sẽ ngày càng rõ rệt khiến nhiều người cảm thấy đôi chân dường như không còn thuộc về mình nữa.

Ngoài ra, chân của bệnh nhân tiểu đường trở nên ít nhạy cảm với nhiệt độ và đau đớn hơn. Nhiều khi, nhiệt độ nước rất nóng nhưng họ hoàn toàn không cảm nhận được, dễ gây bỏng. 

Chuột rút

Chuột rút cơ bắp là biểu hiện tương đối phổ biến của bệnh tiểu đường. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, đó có thể là hậu quả của mất cân bằng điện giải, hạ đường huyết, bệnh mạch máu ngoại biên với suy động mạch, bệnh thần kinh ngoại vi. Chuột rút có xu hướng phổ biến hơn ở các chi dưới và có thể xuất hiện nhiều vào ban đêm.

Thêm vào đó, lượng đường trong máu cao có thể gây ra tổn thương lớn cho các mạch máu. Nếu không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch sau một hoặc hai năm, dẫn đến mạch máu bị hẹp lại. Chân ở xa tim, thời gian ngồi và nằm tương đối dài nên dễ bị tác động hơn, dẫn tới chuột rút. 

Ngoài theo dõi triệu chứng, người có nguy cơ nên đo chỉ số đường huyết định kỳ. Ảnh minh họa: News18

Ngứa ngáy

Theo Aboluowang, bệnh nhân tiểu đường thường cảm thấy ngứa ngáy ở chân, tưởng mình bị viêm da cơ địa, đi khám nhiều bác sĩ da liễu, dùng nhiều loại thuốc chống dị ứng nhưng triệu chứng không được cải thiện. Thực tế, nguyên nhân chính do đường huyết không được kiểm soát tốt.

Kiểm soát lượng đường trong máu kém và giảm khả năng miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, chẳng hạn như viêm nang lông, nhọt trên da, nhiễm nấm. 

Tổn thương thần kinh do lượng đường trong máu cao cùng với sự bài tiết bất thường của tuyến mồ hôi và tuyến bã khiến da của người bệnh có thể bị ngứa ngáy. 

Vết thương không lành

Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị tổn thương ở chân do cảm nhận nhiệt độ trở nên tồi tệ hơn sau biến chứng thần kinh. Không chỉ thế, khi vết thương xuất hiện trên da thì gần như không thể chữa lành.

Lý do là bệnh nhân tiểu đường có khả năng miễn dịch kém và một số lượng lớn vi khuẩn bao phủ bề mặt vết thương. Mặt khác, lượng đường huyết cao làm tổn thương các mạch máu, không cung cấp đủ máu cho chân. 

Thay đổi màu da 

Nhiều ca bệnh tiểu đường dễ bị nám hoặc đốm đen trên da ở chi dưới. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng da, vết mụn rộp để lại sau khi lành bệnh. Ở một số bệnh nhân, tổn thương mạch máu ở chân cũng làm biến đổi sắc tố da. 

Theo Vietnamnet